Kinh tế Đức đối mặt cuộc suy thoái kéo dài hai năm

Những vấn đề mang tính cơ cấu dài hạn như sự thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề, nhiều năm thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tình trạng quan liêu quá mức, đang kìm hãm sự tăng trưởng của Đức.

1 Kinh Te Duc Doi Mat Cuoc Suy Thoai Keo Dai Hai Nam

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đức đang phải đối mặt với cuộc suy thoái kéo dài hai năm lần đầu tiên kể từ đầu những năm 2000 khi chính phủ hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, ngày 9/10 cho biết các điều kiện kinh tế hiện tại không như mong muốn nhưng chính phủ đang trong quá trình tìm cách khắc phục.

Ông Habeck cho biết Đức đã đạt được "tiến bộ thực sự" trong việc giải quyết các yếu tố ngắn hạn đã cản trở hoạt động kinh tế trong những năm gần đây là lạm phát tăng, lãi suất cao và chi phí năng lượng leo thang do xung đột tại Ukraine.

Tuy nhiên, những vấn đề mang tính cơ cấu dài hạn hơn, chẳng hạn như sự thiếu hụt nghiêm trọng lao động có tay nghề, nhiều năm thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tình trạng quan liêu quá mức, đang kìm hãm tăng trưởng.

Ông Habeck, người đồng thời là Phó Thủ tướng, dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm 0,2% trong năm nay, so với dự báo trước đó là tăng trưởng 0,3%.

Nếu dự báo trên là đúng, kinh tế Đức sẽ rơi vào cuộc suy thoái kéo dài hai năm lần đầu tiên trong hơn 20 năm, sau khi đã giảm 0,3% trong năm 2023.

Năm 2002, kinh tế nước này giảm 0,2% và tiếp tục giảm 0,5% một năm sau đó.

Đức, quốc gia từng phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, đã bị ảnh hưởng lớn hơn so với các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu do cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine, khiến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng gặp những khó khăn.

Khi giá năng lượng giảm, các bộ trưởng và nhà kinh tế hy vọng rằng nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi trong năm nay. Tuy nhiên, các số liệu ảm đạm trong vài tháng qua đã khiến triển vọng này bị đẩy lùi.

Nhu cầu tiêu dùng vẫn giảm và các công ty đang trì hoãn đầu tư do lo ngại xung đột ở Trung Đông lan rộng và nguy cơ về sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc làm mất niềm tin kinh doanh.

Việc một số công ty đang xem xét chuyển một số hoạt động sản xuất sang các nước có chi phí rẻ hơn, do chi phí lao động và giá năng lượng tại Đức cao, gánh nặng thuế lớn, làm dấy lên lo ngại về quá trình phi công nghiệp hóa ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Nhưng ông Habeck lạc quan một cách thận trọng, nói rằng nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi vào năm tới khi lạm phát và lãi suất giảm kết hợp với mức lương thực tế cao hơn sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.

Bộ Kinh tế Đức tin tưởng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm 2025, cao hơn dự báo hồi đầu năm nay và tăng 1,6% trong năm 2026, khi tiêu dùng và đầu tư phục hồi và nhu cầu bên ngoài đối với hàng công nghiệp của Đức tăng.

Trước những khó khăn dai dẳng của nền kinh tế Đức, các doanh nghiệp nước này ngày càng thận trọng hơn trong việc hoạch định kế hoạch nhân sự. Mức độ sẵn sàng tuyển dụng lao động tiếp tục giảm.

Theo khảo sát mới nhất của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, phong vũ biểu việc làm Ifo đã giảm xuống còn 94,0 điểm trong tháng 9/2024, sau mức 94,8 điểm trong tháng 8/2024. Đây là lần giảm thứ 4 liên tiếp và đạt giá trị thấp nhất kể từ tháng 7/2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Klaus Wohlrabe của Viện Ifo cho biết các vấn đề về cơ cấu của nền kinh tế Đức đang dần để lại những tác động lớn trên thị trường lao động. Thay vì tăng cường tuyển dụng lao động, nhiều công ty đang cân nhắc khả năng cắt giảm việc làm hơn nữa.

Trong lĩnh vực công nghiệp, phong vũ biểu việc làm Ifo đã giảm xuống giá trị thấp nhất kể từ tháng 8/2020.

Viện Ifo cho biết vì thiếu đơn đặt hàng, các công ty đang xem xét thận trọng hơn kế hoạch nhân sự. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong ngành bán lẻ: do người tiêu dùng tiếp tục tiết kiệm nhiều hơn thay vì chi tiêu nên các nhà bán lẻ cần ít nhân viên hơn.

Trong lĩnh vực dịch vụ, mức độ sẵn lòng tuyển dụng của các nhà cung cấp dịch vụ cũng giảm. Chỉ riêng trong ngành xây dựng, phong vũ biểu việc làm Ifo tăng nhẹ do nhu cầu xây dựng các công trình mới vẫn rất lớn.

Theo Báo cáo mùa Thu do các viện nghiên cứu hàng đầu của Đức công bố ngày 26/9, GDP của nền kinh tế đầu tàu châu Âu dự kiến sẽ giảm 0,1% trong năm nay và là lần giảm thứ hai liên tiếp.

Suy thoái kinh tế kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động. Trong năm 2024 và năm 2025, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng lên 6%, cao hơn mức 5,7% của năm 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày