Người phụ nữ Đức 20 năm trọn vẹn tình yêu di sản Huế

Mùa xuân này là vừa tròn 20 năm bà Andrea Teufel, chuyên gia người Đức dành nhiều công sức, tâm huyết, phục dựng các công trình di sản ở Huế. Dành trọn vẹn tình yêu lớn cho di sản Huế, bà Andrea Teufel đã tham gia đào tạo một thế hệ kế cận cho việc trùng tu di sản tại Huế. Từ đó, xây dựng nguồn nhân lực cho công cuộc bảo tồn di sản lâu dài tại Việt Nam.

1 Nguoi Phu Nu Duc 20 Nam Tron Ven Tinh Yeu Di San Hue

Foto: Bà Andrea Teufel tại di tích điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế. VOV

Chuyện bắt đầu từ năm 2003. Khi đó, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tài trợ dự án bảo tồn, phục hồi tranh tường ở Khải Tường Lâu, Cung An Định. Bà Andrea chuyên gia bảo tồn người Đức là người đầu tiên xung phong đến Huế. Trước mắt bà lúc đó là 6 bức tranh tường trong phòng khách cung An Định, biệt cung của vua Khải Định. Những bức tranh với chất liệu và phong cách phương Tây, vẽ phong cảnh các lăng mộ Hoàng gia triều Nguyễn để tưởng nhớ tiền nhân của vị vua đương thời. Lúc này, màu sắc trên tranh bị bong tróc, hoen ố.

Bà Andrea gửi những mẩu sơn dầu đầu tiên về phòng thí nghiệm ở Đức để phân tích và tiến hành phục hồi. Trong suốt 6 năm làm việc không ngừng nghỉ, bà Andrea cùng các học viên của mình đã hồi sinh những bức bích họa trong cung An Định trở lại vẻ đẹp vốn có của nó. Anh Nguyễn Đăng Khánh, thợ nề ngõa tâm sự.

“Trước đây, tại Cung An Định, khi đó mình đang là một học viên của dự án, được đào tạo và sau dần những công việc mình quen thuộc thì mình giúp lại những người vào sau để đào tạo lại từ đầu. Bây giờ, trở thành người truyền đạt những kỹ thuật và phương pháp của cô. Khi mình vào làm, những phương pháp bảo tồn rất là nghiêm ngặt. Mình học hỏi rất nhiều”, Bà Andrea chia sẻ.

Trong những năm gắn bó với di sản Huế, bà Andrea Teufel đã dành trọn tình yêu của mình với Huế. Quá trình thực hiện trùng tu di tích, bản thân bà đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và từng bước hoàn thiện các phương pháp, kỹ thuật trùng tu. Trong đó, kỹ thuật fresco được áp dụng trong phục hồi di tích, có nghĩa là trát vữa lên tường, đợi cho đến khi vữa khô nhưng không khô hẳn, mà còn hơi ẩm, tiếp đó dùng chất màu trộn với nước và vẽ trực tiếp thẳng lên mặt vữa tươi, không cần bất cứ loại chất kết dính hay keo nào.

Với việc phát triển và áp dụng phương pháp mới này, những thiết trí trên các công trình di tích sẽ không bị hư hại bởi thời tiết, bảo tồn di sản chân xác. Qua các dự án thực hiện tại di tích Huế cũng là dịp đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho kiến trúc sư, kỹ sư, thợ kép, thợ nề ngõa truyền thống… đang làm công tác trùng tu tại đây.

Bà Andrea Teufel cho biết, tham gia các dự án, học viên có được những kỹ năng về bảo tồn di sản, áp dụng vào bảo tồn và phục hồi các công trình di tích lịch sử: “Từ khi đến Huế và thực hiện dự án thì tôi đã thực hiện được 6 dự án và với khoảng 45 đến 50 địa điểm. Chúng tôi bảo tồn, phục dựng, đồng thời cũng kết hợp với đào tạo nhiều các lứa thợ lành nghề, kết hợp với giáo dục di sản. Các khoá học cho trẻ em, cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là cho sinh viên nghệ thuật và kiến trúc thì chúng tôi giảng dạy rất sâu, giúp họ cảm nhận được cái nghệ thuật trong bảo tồn di sản để phục vụ du khách mà còn là để trùng tu, gìn giữ những gì của lịch sử, của cha ông để lại”.

Bà Andrea Teufel sinh ra và lớn lên ở thành phố Postdam, Cộng hoà Liên bang Đức, nơi có những công trình, di tích xưa cũ với nhiều nét tương đồng với thành phố Huế. Đến khi trở thành một thạc sĩ phục chế, Trưởng Đại diện Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức, bà Andrea Teufel đã chọn Huế làm điểm đến và dừng chân trong sự nghiệp phục chế và bảo tồn các di tích ở đây. Suốt 20 năm, nhóm chuyên gia của Đức do bà Andrea Teufel phụ trách đã thực hiện trùng tu nhiều dự án tại khu di sản Huế.

Ngoài dự án ở Điện Phụng Tiên, bà còn phục hồi tranh tường ở Khải Tường Lâu, Cung An Định; phục hồi cổng, bình phong Bửu Thành Môn, lăng Tự Đức; phục hồi ngoại thất Tối Linh Từ và dự án Bảo tồn, phục hồi trang trí nội thất Tả Vu, Đại Nội Huế. Các dự án này đã kết hợp đào tạo đội ngũ về trùng tu di sản Huế.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, đã có 70 thợ kép, thợ nề ngõa truyền thống được bà Andrea Teufel đào tạo, góp phần xây dựng nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích ở Huế: “Đóng góp lớn nhất của bà Andrea Teufel là thay đổi nhận thức trong bảo tồn di sản. Nhận thức ở đây là sự nâng niu, sự trân quý, sự gìn giữ, sự đi đến tận cùng của vấn đề trong bảo tồn di sản, thổi lên một tinh thần mới của bảo tồn di sản, bà đã thổi hồn ấy vào một thế hệ trẻ. Những người họa sĩ đi theo bà được đào tạo, sau này những người đó trưởng thành và họ trở lại tái tạo di sản”.

Đến nay, bà Andrea Teufel đã có 20 năm gắn bó với công việc trùng tu di tích ở Huế. Bà Andrea Teufel bày tỏ, bà cực kỳ yêu thích kiến trúc, màu sắc, vật liệu độc đáo ở nơi này. Nó luôn thôi thúc bà tiếp tục tìm tòi, khám phá sâu hơn, đặc biệt là vật liệu và kỹ thuật xây dựng của người xưa để phục dựng tốt hơn, trả lại yếu tố gốc cho di tích.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhận xét: “Cách làm của bà Andrea Teufel khiến chúng tôi học hỏi rất nhiều. Hiện nay, Huế đang mong muốn xây dựng một trường phái trùng tu riêng biệt, có cá tính riêng của Huế. Việc được tiếp thu với sự chỉ giáo và cách tiếp cận như bà Andrea Teufel có thể nói là hết sức quý. Chúng ta sẽ góp phần tích lũy kinh nghiệm và xây dựng một trường phái trùng tu riêng, vừa kết hợp được các công nghệ, kỹ thuật truyền thống, vừa sử dụng được công nghệ hiện đại”.

Yêu Huế từ những nét cổ xưa và mong muốn được tìm tòi, học hỏi, truyền đạt lại những kinh nghiệm của mình, bà Andrea Teufel đã mua căn nhà tại Huế để gia đình sinh sống và dành trọn tình yêu cho di sản Huế. Những ngày Tết, căn nhà nhỏ ấm cúng của bà cũng là điểm hẹn của các cộng sự, học viên tới trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn di tích Huế. Sống ở vùng đất cố đô, bà Andrea Teufel xem Huế như quê hương thứ hai của mình, bà cảm nhận đầy đủ niềm hạnh phúc bên gia đình và người thân với từng nét đẹp trong phong tục, tập quán Tết ở Huế.

“Huế là một nơi rất là thú vị và có rất nhiều di tích lịch sử còn tồn tại cho đến bây giờ. Và tôi không muốn những di tích lịch sử này bị biến mất vì những di tích lịch sử này hiện tại nó là độc nhất vô nhị trên thế giới nhưng bây giờ chỉ còn lại thông qua các tư liệu, các hình ảnh rất là cũ. Điểm độc đáo và thu hút tôi ở điện Phụng Tiên, ngoài những cung điện bị biến mất thì những viên gạch lát sàn rất là độc đáo. Hiện nay, trên thế giới thì nó rất hiếm. Ngoài ra, tôi bảo tồn, trùng tu các di tích và tôi muốn biến những di tích này trở nên sống động hơn cho du khách và cho giới trẻ của ngày sau nữa”, bà Andrea tâm sự.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày