Từ năm tới, lao động tại rất nhiều công ty chế tạo máy hàng đầu tại Đức – như Daimler – có thể lựa chọn làm việc 28 giờ một tuần trong tối đa 2 năm, trước khi quay về tuần làm tiêu chuẩn 35 giờ. Thỏa thuận này đã được đàm phán với đại diện hơn 700 công ty tại vùng tây nam. Nó được kỳ vọng có ảnh hưởng lên toàn bộ ngành công nghiệp của Đức.
IG Metall cho biết sự linh hoạt sẽ giúp các lao động có điều kiện chăm sóc con cái, người thân. Dĩ nhiên, mức lương cho các tuần làm việc ngắn cũng sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, người lao động có quyền chọn làm việc 40 giờ để có thu nhập cao hơn.
“Có thể đoán trước rằng nhiều thỏa thuận tương tự tại các ngành khác và khu vực khác sẽ sớm xuất hiện”, Famke Krumbmüller – chuyên gia tại hãng tư vấn rủi ro chính trị OpenCitiz cho biết.
Công nhân Đức sẽ được làm việc 28 giờ mỗi tuần. Ảnh: AFP
Daimler cho biết họ sẽ áp dụng chế độ làm việc linh hoạt với tất cả lao động từ năm 2019. Bosch cũng sẽ tăng lương và phúc lợi với phần lớn lao động hiện tại. Các công nhân không tham gia công đoàn vẫn có thể hưởng lợi từ thỏa thuận này, nếu công ty có lao động tham gia IG Metall áp dụng chính sách cho tất cả.
Dù vậy, các công ty khác có thể sẽ cảm thấy khó khăn. Südwestmetall – hiệp hội các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận cho biết họ đã phải nhượng bộ với “một số điều khoản đau đớn”. Việc rút ngắn tuần làm việc có thể gây ra thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, nhiều công nhân có thể sẽ muốn làm thêm giờ để kiếm tiền.
IG Metall cũng cho biết tất cả thành viên của công đoàn này sẽ được tăng lương 4,3%, bắt đầu từ tháng 4. Con số này tương đương 3,5% trung bình cả năm 2018.
Hà Thu (theo CNN)
© 2024 | Thời báo ĐỨC