Theo đó, đơn khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp Liên bang đã được đệ trình với sự hỗ trợ của các cơ quan môi trường German Environmental Aid và ClientEarth.
Được biêt, có 7 nguyên đơn sống ở Berlin, Düsseldorf, Frankfurt và Munich, những nơi bị ô nhiễm nặng nhất bởi các chất dạng hạt có hại và nitơ điôxít. Trong đơn kiện, họ cho rằng đây là quyền cơ bản về sức khỏe.
Theo các chuyên gia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu giới hạn đối với vật chất dạng hạt (PM 2.5) và nitơ điôxít (NO2) thấp hơn 5 lần so với mức hiện tại ở Đức.
“Tôi nộp đơn kiện chủ yếu vì 2 đứa con của mình. Chính phủ liên bang có nghĩa vụ phải bảo vệ các con tôi khỏi bị tổn hại sức khỏe mà chúng phải chịu đựng trong phần đời còn lại”, cư dân của Düsseldorf cho biết.
Theo Presseportal, mỗi năm, mức độ ô nhiễm không khí cao ở Đức dẫn đến hàng chục nghìn ngườichết sớm và hàng trăm nghìn bệnh mới, chẳng hạn như hen suyễn, ung thư, đột quỵ hoặc sa sút trí tuệ.
Trước đó, vào đầu tháng 9, Đức, Hà Lan, Czech và Hy Lạp đang có kế hoạch khôi phục lại việc phát điện đốt than vào mùa đông năm nay. Các nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Ember có trụ sở tại Brussels tính toán, tổng cộng, họ sẽ đốt khoảng 13 triệu tấn than trị giá 4,5 tỷ euro trong những tháng tới.
Ngoài ra, theo giới chuyên gia, các nước có thể hoạt động với công suất lớn hơn nhiều, nhưng các nhà khai thác không được vội vàng, đặc biệt là do sự không chắc chắn về giá cả và chương trình nghị sự về môi trường.
Theo Sky News, Chính phủ Đức đã có những động thái kêu gọi các doanh nghiệp hạn chế sử dụng khí đốt, chuyển sang các loại nhiên liệu thay thế khác. Không những vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là chuẩn bị nhiên liệu dự trữ trước khi mùa đông tới.
Ngoài ra, Berlin cũng vạch kế hoạch mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo và cải thiện các biện pháp lưu trữ khí đốt. Tuy nhiên, khí đốt từ Nga vẫn sẽ là một nhiên liệu quan trọng, ít nhất là cho tới khi các nguồn năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời đảm bảo đủ nguồn cung.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck thông báo vào tháng 6, nước Đức sẽ sử dụng thêm nhiều than đá để sản xuất điện năng. Tuyên bố của ông Habeck được đưa ra sau khi tập đoàn Gazprom của Nga giảm lượng khí đốt cung cấp cho Đức thông qua đường ống Nord Stream.
“Tình thế hiện nay buộc chúng tôi phải quyết định đốt nhiều than đá hơn nữa khi mùa Đông tới. Dĩ nhiên tôi hiểu than thải ra lượng khí carbon cao gấp đôi khí đốt, nhưng đây là thời kỳ đặc biệt. Dù không mấy vui vẻ, nhưng nó là phương án hiệu quả nhất để giảm tải khí đốt”, ông Habeck cho biết.
Theo Vietnamnet
© 2024 | Thời báo ĐỨC