Trong cuộc hành trình 15 năm, cuộc thi thường niên Viễn cảnh xán lạn – Nhiếp ảnh Đức trẻ đã mang đến cho thế giới những nhiếp ảnh gia trẻ tài năng cùng với những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.
8 nghệ sĩ xuất sắc nhất cuộc thi năm nay do hội đồng giám khảo danh tiếng tại Đức tuyển lựa, có cơ hội được đến với công chúng thế giới thông qua các buổi triển lãm danh giá và hoạt động quảng bá truyền thông. Viễn cảnh xán lạn – Nhiếp ảnh Đức trẻ 2017/2018 đã thực sự mở ra những chân trời xán lạn cho 8 nghệ sĩ thắng giải năm nay.
Đây là lần đầu tiên, Viện Goethe Hà Nội chính thức giới thiệu 53 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc nhất tới công chúng Việt Nam.
Tại buổi triển lãm Viễn cảnh xán lạn – Nhiếp ảnh Đức trẻ 2017/2018 diễn ra ở viện Goethe Hà Nội chiều ngày 30/3/2018, phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với hai nghệ sĩ nhiếp ảnh người Đức là anh Jewgeni Roppel người thắng giải năm 2015 và 2016 và cô Rebecca Sampson người thắng giải cuộc thi Viễn cảnh xán lạn – Nhiếp ảnh Đức trẻ 2011 và Gute Aussichten Deluxe 2017, về mối liên hệ giữa nghệ thuật nhiếp ảnh và cuộc đời.
Đối với nhiếp ảnh gia Jewgeni Roppel, anh cho rằng: “Những nhiếp ảnh gia người Đức rất hạn chế sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, bởi họ muốn giữ lại những gì thuần khiết nhất, chân thật nhất của bức ảnh. Ngay chính trong những bức ảnh chụp về con người, mặc dù gương mặt của họ có những khiếm khuyết nhưng họ vẫn không muốn can thiệp bằng những phần mềm chỉnh sửa”.
''Những nhiếp ảnh gia người Đức rất hạn chế sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, bởi họ muốn giữ lại những gì thuần khiết nhất, chân thật nhất của bức ảnh" - Jewgeni Roppel .
Trong những tác phẩm của mình, Jewgeni Roppel cũng có sử dụng photoshop để chỉnh sửa ánh sáng, độ tương phản chứ không can thiệp sâu vào bản gốc của bức ảnh.
Nhiếp ảnh gia sinh năm 1983 chia sẻ thêm về câu hỏi lớn nhất đối với một nhiếp ảnh gia: “Đó là làm thế nào để thực hiện một bộ ảnh phản ánh thực tế một cách thật nhất? Bởi vì bản chất của nhiếp ảnh là ghi lại cuộc sống dưới những góc nhìn khác nhau, vừa mang đậm tính nghệ thuật nhưng không tách rời hiện thực.
Nhiếp ảnh chính là hình ảnh hóa, hiện thực hóa những ý tưởng và cả những thứ siêu tưởng mà con người không thể nhìn thấy.
Sự thật của cuộc sống và nghệ thuật nhiếp ảnh không thể tách rời nhau, bởi nhiếp ảnh không đơn thuần chỉ là nhiếp ảnh, mà đó còn là sự kết hợp giữa tâm lí học, triết học, thậm chí là cả khoa học”.
Bên cạnh đó, nữ nhiếp ảnh gia Rebecca Sampson có những chia sẻ về dự án tương lai của mình: “Trong dự án sắp tới, tôi hướng đến những người bán bảo hiểm ở Đức. Nước Đức là một nơi tương đối an toàn, nhưng những rủi ro bất ngờ là không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ đây là một dự án thú vị”.
Hai nhiếp ảnh gia trẻ người Đức có những chia sể thẳng thắn về những quan điểm của mình và dự định nghệ thuật sắp tới.
Jewgeni Roppel (bên trái) và Rebecca Sampson (phải)
Những tác giả thắng giải của năm 2017/2018 gây ấn tượng mạnh mẽ với những bộ ảnh mang chủ đề, không khí, sắc màu khác nhau, họ lồng ghép vào đó là những câu chuyện chưa kể của mình. Những bức ảnh chụp cảnh, con người, chụp những thứ khoa học và bán khoa học, thậm chí chỉ là những bức ảnh chụp mảnh vỏ trứng… là những tấm hình khiến người xem bối rối lúc mới nhìn vào. Người xem phải thực sự nghiền ngẫm hồi lâu trước những bức ảnh đó, bóc tách từng tầng lớp nghĩa mới có thể khám phá ra phần nào ý đồ nghệ thuật của các tác giả.
Stephan Bogei với bộ ảnh “Hiện trường Utah”. Diễn tả nỗi day dứt của tác giả trước cái chết của người cha trong khu rừng tự sát ở Đức, thông qua những bức chụp do anh tự dựng lại hiện trường, những bức ảnh trước đây của cha và những bức anh lấy từ cảnh sát.
Những câu hỏi hiện ra, ám ảnh trong anh: Tại sao ông ấy lại tự sát? Bởi vì một nỗi xấu hổ hay một sự oan ức nào đó mà không thể nói ra? Có lẽ, cả đời Stephan sẽ mãi mãi không thể tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đó, để rồi chúng trở đi trở lại, tạo thành cái bóng đen bao trùm cuộc đời của Stephan.
"Hiện trường Utah" - câu chuyện về nỗi trăn trở đến ám ảnh của người con trai trước cái chết của cha.
Anh Janosch Boerckel với chùm ảnh “Cơ bản”. Chùm ảnh đã diễn đạt sinh động mối tương giao giữa giả tưởng và thực tại, giữa tư liệu và dàn dựng với đối tượng là những mẫu vật đang được mổ xe trong phòng thí nghiệm – thuộc mảng tương tác giữa con người với máy móc.
Bộ ảnh "Cơ bản" với những bức hình về "khoa học" và "bán khoa học".
Nhiếp ảnh gia Alba Frenzel với bộ “Giấy ảnh, nguồn sáng, trứng”. Bộ ảnh được thực hiện trong phòng thí nghiệm, chụp những quả trứng trong các trạng thái khác nhau của nó mà người đọc sẽ khó có thể hình dung ra được khi mới nhìn lần đầu. Alba Frenzel gửi gắm một triết lý trừu tượng về cội nguồn của con người thông qua những bức chụp về các hình dạng của quả trứng.
“Giấy ảnh, nguồn sáng, trứng”- bộ ảnh ghi lại những trạng thái khác nhau của quả trứng, gửi gắm những thông điệp triết lý đầy trừu tượng về nguồn gốc con người, đó là quả trứng.
Laura Giesdorf gây ấn tượng với một video dài hơn 10 phút “Hướng dẫn makeup che phủ trọn vẹn khuyết điểm – Che đậy bản thân bằng nỗi tẻ nhạt không tì vết”.
Video ghi lại quá trình trang điểm của một người phụ nữ nhằm che đậy sự tẻ nhạt bằng một “vẻ đẹp” tẻ nhạt. Tác phẩm đặt ra vấn đề là: Làm thế nào để một người phụ nữ có thể trở nên “phụ nữ” hơn? Đó cũng chính là tuyên ngôn của cô trong việc phá vỡ những định kiến về phụ nữ của xã hội.
"Làm thế nào để phụ nữ trở nên phụ nữ hơn" là điều mà tác giả nỗ lực thực hiện.
Nhiếp ảnh gia Ricardo Nunes với bộ ảnh “Chốn bất an”. Tác giả là người gốc Đức, nhưng lại sinh ra và lớn lên ở Bồ Đào Nha. Anh chụp bộ ảnh để nhớ lại những ngày còn bé, cùng gia đình thăm lại nguyên quán cũ. Đối với mọi người, quê hương ở anh là một thành phố lớn, nhưng với tác giả thì nó như một thị trấn nhỏ. Bức ảnh được chụp dưới góc nhìn của một đứa trẻ ngồi trong ô tô và nhìn ra cửa kính, đứa trẻ ấy nhìn thấy tất cả mọi thứ nhưng là với cặp mắt lạ lẫm, hoang mang. Điều tác giả muốn gửi gắm ở đây là cảm giác lạc lõng ở chính nơi gọi là nguồn cội của mình.
“Chốn bất an” lại là chính cội nguồn của Ricardo, khơi lên những nỗi niềm hoang mang, lạc lõng.
Alexandra Polina với chùm ảnh “Mặt nạ, Huyễn tưởng, Chủ thể”. Bộ ảnh diễn tả những con người mang dòng máu Đức nhưng lại bị người đồng hương phân biệt đối xử vì sinh ra ở những nơi không phải Đức.
“Mặt nạ, Huyễn tưởng, Chủ thể”
Julian Slagman gây ám ảnh với bộ “Xin- đừng – quên- tôi”. Là một bộ ảnh ấn tượng vì "không có hồi kết". Những bức ảnh được liên kết với nhau bằng những đồ vật cũ được lưu truyền lại từ những thế hệ trước trong gia đình như chiếc vali, cái búa, chiếc máy chụp hình kiểu cũ...
“Xin- đừng – quên- tôi”
Bộ ảnh “Thành gia đình”, đây là bộ ảnh do tác giả người Nhật tên Rie Yamada thực hiện. Những con người có lẽ cả đời chưa từng biết đến nhau nhưng tác giả đã vẽ một sợi chỉ định mệnh giúp họ gặp nhau và trở thành một gia đình, thông qua những bức hình cũ cô mua lại ở khu chợ trời và những bức ảnh do cô hóa thân vào. Nguồn cảm hứng để Rie thực hiện bộ ảnh chính là từ sự mất mát, tang thương từ những vụ sóng thần ở Nhật Bản, nỗi đau lớn nhất mà thiên tai mang đến chính là sự ly tán của những gia đình đang hạnh phúc. Do đó, việc thực hiện bộ ảnh chính là một cách để đưa những người vô danh, không chung huyết thống trở thành một gia đình hoàn chỉnh.
“Thành gia đình”
Rie đưa những người vô danh đến với nhau trở thành một đại gia đình hoàn chỉnh.
Viễn cảnh xán lạn – Nhiếp ảnh trẻ Đức được đánh giá là cuộc thi danh giá bậc nhất dành cho những nhiếp ảnh gia trẻ đang học tập và sinh sống tại Đức. Đây là một cuộc thi thường niên được thành lập từ năm 2004 và đang tiếp tục phát triển, đón nhận rất nhiều những sản phẩm nhiếp ảnh mang đậm tính nhân văn và nghệ thuật.
Hà Trang – Đăng Hùng
Nguoiduatin
© 2024 | Thời báo ĐỨC