Các mỏ than cuối cùng xung quanh nhà máy nhiệt điện Bexbach đã đóng cửa cách đây một thập niên, để lại nhà máy nhiệt điện ngủ yên như một di tích của ngành công nghiệp đang chết dần ở Đức.
Bỗng dưng vào năm nay, các thiết bị của nhà máy được sửa chữa, nhà thầu chuẩn bị cho công việc mới, và quản lý Michael Lux phải tất bật với quá trình bận rộn ban đầu: tìm nhân sự.
“Thật tốt khi được đi làm lại”, ông nói khi ngồi xuống thảo luận về kế hoạch chuyển đổi Bexbach, ở bang Saarland, Tây Nam nước Đức, từ trạng thái “dự phòng” trở lại hoạt động hết công suất. Vào mùa đông, Lux dự kiến nhà máy đốt tối thiểu 100.000 tấn than mỗi tháng, điều mà một số người trong ngành đã gọi là “mùa xuân” cho các nhà máy nhiệt điện than của Đức.
Đây là một phần của chiến dịch xuyên châu Âu nhằm thoát khỏi phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, cũng như các biện pháp kìm hãm năng lượng mà nước này đang áp dụng với những quốc gia đối đầu.
Pháp, Italy, Áo và Hà Lan đều đã công bố kế hoạch tái kích hoạt các nhà máy điện than cũ, nhưng không nơi nào có kế hoạch rộng rãi như ở Đức, cho phép 21 nhà máy than tái khởi động hoặc dời ngày đóng cửa (đã được lên kế hoạch trước đó) lại thêm 2 mùa đông, theo Washington Post.
Mối nguy cho mục tiêu phát thải CO2
Khi Moscow siết chặt dòng khí đốt tự nhiên đến châu Âu - một động thái mà các quan chức EU tin rằng là đòn trả đũa của Nga để đáp lại các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Đức đang cố dự trữ năng lượng, cũng như khẩn trương tìm kiếm các nguồn điện thay thế, với rất ít lựa chọn.
Michael Lux, một quản lý của nhà máy Bexbach. Ảnh: Washington Post.
Tăng cường năng lượng tái tạo cần có thời gian. Các nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng mới vẫn chưa hoàn thành. Chính phủ đang cân nhắc việc duy trì ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng - theo kế hoạch sẽ đóng cửa vào cuối năm nay - nhưng chúng chỉ sản xuất được một phần tương đối nhỏ trong tổng sản lượng điện mà nước này cần.
Chính phủ Đức, bao gồm đảng Xanh, đã mô tả sự hồi sinh của than là một động thái đau đớn nhưng cần thiết. Họ đảm bảo rằng đây chỉ là bước đi tạm thời.
Đức đã đồng thời cam kết đặt mục tiêu mới là đạt 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030 - gấp đôi mức hiện tại. Nước này hiện đã bắt đầu giảm bớt quy trình cấp phép cho các cối xay gió và thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo.
Chính phủ nếu vẫn duy trì sự thúc đẩy này thì sẽ giúp đất nước bám sát các mục tiêu khí hậu và chấm dứt việc sử dụng than vào năm 2030, đồng nghĩa cắt giảm ít nhất 65% lượng khí thải so với mức của năm 1990.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại về sự gia tăng phát thải trong ngắn hạn ở Đức, cảnh báo việc hồi sinh điện than có thể khiến Đức khó đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Để đạt được mục tiêu năm 2030, lượng khí thải trong ngành điện cần phải giảm “đáng kể và càng sớm càng tốt”, Simon Müller, Giám đốc Agora Energiewende, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về khí hậu, cho biết.
Tuy nhiên, Agora Energiewende ước tính rằng các nhà máy nhiên liệu hóa thạch đã được hồi sinh hoặc được phép kéo dài hoạt động sẽ thải thêm từ 20 triệu đến 30 triệu tấn khí nhà kính hàng năm, tương đương khoảng 4% tổng lượng khí thải của Đức.
Ông Horst Haefner đã tạm dừng nghỉ hưu để giúp nhà máy điện than Bexbach hoạt động trở lại. Ảnh: Washington Post.
Müller cho biết vẫn chưa chắc chắn liệu Đức có đạt mục tiêu không phát thải quá 257 triệu tấn khí thải trong ngành điện trong năm nay hay không.
“Nhưng điều chắc chắn là chỉ có triển khai nhanh chóng và rộng rãi năng lượng tái tạo, mở rộng lưới điện, mới phá vỡ sự phụ thuộc của chúng ta vào năng lượng hóa thạch và đưa chúng ta đi đúng hướng để đạt được mục tiêu khí hậu của Đức vào năm 2030”, ông nói.
Ở Đức năm ngoái, một phần do sức gió thấp và giá khí đốt tự nhiên tăng, than anthracite (hay than cứng) và than nâu chiếm 28% sản lượng điện - góp phần làm tăng tổng lượng phát thải 4,5% so với năm trước.
Không chỉ Đức đi chệch hướng. Bất chấp các cam kết giảm phát thải toàn cầu, năm ngoái là một năm kỷ lục đối với than. Khi thế giới bước ra khỏi đại dịch và nhu cầu điện tăng cao, nhiều than được đốt để sản xuất điện hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Các nhà nghiên cứu môi trường dự đoán kỷ lục mới sẽ được thiết lập trong năm nay.
Claudia Kemfert, người đứng đầu bộ phận năng lượng và môi trường tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, lo ngại: “Chúng tôi sẽ không đạt được các mục tiêu về khí hậu trong ngắn hạn”.
Tuy nhiên, bà cũng nhận thấy việc dựa nhiều hơn vào than trong thời điểm này là “bước đi cần thiết”. “Chúng ta đang phải trả giá vì 10 năm thất bại của chính sách năng lượng”, bà nói thêm.
Ông Horst Haefner (70 tuổi) đồng ý tạm dừng nghỉ hưu để trở lại làm việc tại Bexbach, kiểm tra máy móc của nhà máy mà ông xem xét lần cuối vào năm 2004. Chỉ về phía những đống than trong kho chứa của Bexbach, Haefner nói: “Mọi người đều muốn loại bỏ chúng, nhưng họ không thể làm được nếu không có chúng”.
Nhà máy điện ở Bexbach, Đức, đang tích trữ than để chuẩn bị quay trở lại sản xuất năng lượng hết công suất. Ảnh: Washington Post.
Cần gì để hồi sinh một nhà máy than?
Các công ty năng lượng sẽ cân nhắc chi phí đầu tư cần thiết so với lợi nhuận tiềm năng. Hôm 1/8, nhà máy Mehrum ở Lower Saxony là cơ sở đầu tiên chuyển khỏi trạng thái dự trữ, theo Cơ quan Mạng lưới Liên bang.
Các nhà quản lý tại Bexbach cho biết nhà máy 40 năm tuổi của họ đang hướng tới mục tiêu trở lại hoạt động toàn thời gian, cùng với Weiher, cách đó khoảng 23 km về phía tây.
Chỉ 5 năm trước, công ty điện lực Steag đã cố gắng đóng cửa các nhà máy này, cho rằng chúng không có lãi so với khí đốt giá rẻ của Nga. Chính phủ Đức quy định chúng phải được đưa vào “lưới điện dự trữ” để sử dụng trong trường hợp mất cân bằng lưới năng lượng. Chi phí vận hành do chính phủ chi trả.
Bexbach chỉ hoạt động trong 319 giờ vào năm ngoái.
Việc “tái sinh” các nhà máy cũng vấp phải những thách thức. Ngoài việc đưa nhà máy đi vào hoạt động bình thường, các nhà quản lý phải tìm được nhân viên có năng lực và đảm bảo nguồn cung than đá.
Bexbach được thiết kế để tiêu thụ than địa phương, nhưng mỏ than cứng cuối cùng của khu vực này đã đóng cửa vào năm 2012. Trước xung đột ở Ukraine, Nga đã cung cấp phần lớn than cho các nhà máy của Đức. Tuy nhiên, khi EU ban hành lệnh cấm vận đối với than đá của Nga, có hiệu lực vào tháng 8, các công ty năng lượng đã phải tìm kiếm nguồn cung khác, ở Nam Phi, Australia, và mỏ Cerrejón của Colombia, còn được gọi là "con quái vật", nổi tiếng với chỉ số có hại cho môi trường và độ an toàn kém.
Một công nhân đang bảo dưỡng thiết bị bên trong nhà máy Bexbach. Ảnh: Washington Post.
Để đến được một nhà máy nội địa như Bexbach, số than đó phải được vận chuyển hàng trăm km bằng đường bộ hoặc bằng tàu hỏa từ các cảng Amsterdam, Rotterdam và Antwerp. Tuy nhiên, sự thu hẹp của ngành trong những năm nay đã dẫn đến tắc nghẽn trong hệ thống vận chuyển, với trữ lượng than tại các cảng châu Âu chất đống lên mức cao nhất trong ba năm.
Stephan Riezler, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Steag, cho biết: “Toàn bộ thị trường đã thay đổi cùng với sự suy giảm tiêu thụ than, từ các cảng, nhà khai thác đường sắt, đến nhà khai thác tàu thuyền”.
Đối với các nhà máy khác vận chuyển than bằng tàu thuyền, họ đang phải đối mặt với một vấn đề khác là mực nước thấp trên sông Rhine - huyết mạch hậu cần cho ngành công nghiệp của Đức - khiến sông này không thể đáp ứng đủ lượng tàu thuyền di chuyển qua đây.
Chính phủ hiện đã ưu tiên chở than trên các tuyến đường sắt của mình, nhằm cố xúc tiến việc giao hàng, bất chấp một liên minh ngành vận tải cảnh báo điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến giao thông công cộng.
Khi các nhu cầu cần thiết để đáp ứng sự trở lại của nhiệt điện tăng lên, ngành công nghiệp này đang thúc đẩy để có được các đảm bảo dài hạn từ chính phủ. Họ muốn thấy được lợi ích từ việc đầu tư, nhưng Bộ Kinh tế - dưới sự chi phối của đảng Xanh - dường như khó có khả năng cung cấp một đảm bảo như vậy.
Nhà máy điện than ở Bexbach, bang Saarland, Đức. Ảnh: Washington Post.
Alex Bethe, Chủ tịch Hiệp hội các nhà nhập khẩu than của Đức, cho biết cần có “tín hiệu” từ chính phủ rằng “chúng tôi có kế hoạch 5 năm, đáng để chúng tôi thuê nhân sự, đầu tư và cải tiến”.
Theo luật than mới, các nhà máy có kế hoạch trở lại thị trường như Bexbach đã được yêu cầu nạp vào kho dự trữ 180.000 tấn than, điều mà các công ty năng lượng cho là rủi ro tài chính.
“Chúng tôi đang thảo luận với chính phủ rằng chúng tôi muốn cứu đất nước vào mùa đông, nhưng những gì chúng tôi cần là một sự đảm bảo”, Riezler nói, khi ông ngồi xuống với các nhà quản lý nhà máy, bàn bạc về những gì cần thiết để trở lại thị trường.
Hồng Ngọc
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC