Ngày đầu tiên của tháng Năm tại một số khu vực ở Đức thường diễn ra một loạt các lễ hội đánh dấu sự khởi đầu của mùa xuân. Nhưng lý do khiến các ngân hàng, bưu điện và hầu hết các doanh nghiệp đóng cửa vào ngày này là vì mùng 1 tháng 5 còn là Ngày Quốc tế Lao động.
Ngày Quốc tế Lao động là ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động.
Ngày lễ này bắt nguồn vào năm 1886 khi hàng ngàn công nhân đình công tại quảng trường Haymarket, Chicago, yêu cầu giảm giờ làm còn 8 giờ một ngày. Hai ngày sau, khi căng thẳng leo thang, cảnh sát đã giết chết một số người biểu tình.
Tại một cuộc biểu tình ngày hôm sau, một người không rõ danh tính đã ném bom vào cảnh sát khi họ cố gắng giải tán đám đông, dẫn đến cái chết của một số sĩ quan cảnh sát và một số thường dân.
Tranh minh hoạ cuộc biểu tình tại quảng trường Haymarket, Chicago năm 1886.
Để tưởng nhớ sự kiện này, hàng trăm ngàn người ở châu Âu đã tổ chức Ngày Lao động đầu tiên vào ngày 1 tháng 5 năm 1890 để yêu cầu điều kiện làm việc tốt hơn và quy định làm 8 giờ một ngày.
Khoảng 100.000 người ở Đức đã tham gia vào các cuộc đình công và biểu tình năm đó, theo Công đoàn Đức (DGB), đặc biệt là ở Hamburg. Phía giới chủ đã phản ứng bằng cách đuổi việc công nhân.
Khoảng 40 năm sau, khi nền Cộng hòa Weimar bắt đầu, yêu cầu làm 8 giờ một ngày đã được chấp thuận và các công đoàn được công nhận là đại diện của tầng lớp lao động.
Nhưng cảnh sát không mong đợi các cuộc đụng độ lớn xảy ra. Những cuộc bạo loạn nghiêm trọng cuối cùng xảy ra ở Berlin trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, thất nghiệp hàng loạt và chính trị bất ổn đã hình thành nền tảng của lễ kỷ niệm Ngày Lao động vào cuối những năm 1920.
Ngày 1 tháng 5 tại Berlin năm 1927
Sợ bạo loạn, cảnh sát trưởng Berlin vào thời điểm đó, Karl Zörgiebel, cấm các cuộc biểu tình vào ngày 1 tháng 5 năm 1929, nhưng Đảng Cộng sản Đức chống lại, kêu gọi các cuộc biểu tình hòa bình. Có những trận chiến trên đường phố và cảnh sát bắn vào đám đông. Đến ngày 3 tháng 5 năm đó có hơn 30 người chết và hàng trăm người khác bị thương.
Một vài năm sau đó, vào năm 1933, chính quyền Đức Quốc xã tuyên bố ngày đầu tiên của tháng 5 là ngày nghỉ toàn quốc có lương cho công nhân Đức. Chỉ một ngày sau đó, các đảng viên Quốc xã xông vào các tòa nhà công đoàn và giải tán các công đoàn tự do.
Gần một năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vào tháng 4 năm 1946, Hội đồng kiểm soát Đồng minh đã xác nhận ngày 1 tháng 5 là ngày nghỉ lễ. Mỗi năm trong thời Cộng hòa Dân chủ Đức từ 1949 đến 1990, đây là “ngày công nhân quốc tế vì hòa bình và chủ nghĩa xã hội", được tổ chức với các cuộc diễu hành.
Năm 1990, năm thống nhất nước Đức, các tổ chức công đoàn kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế Lao động ra đời.
Ngày nay, thay vì tham gia các cuộc biểu tình, nhiều nhân viên tận dụng ngày này để nghỉ ngơi thư giãn hoặc đi du lịch.
Tại Berlin, một trong những cuộc tuần hành lớn nhất thường xảy ra vào ngày 1 tháng 5 tại quận Kreuzberg.
Không chỉ ở Đức, các nước như Pháp, Úc và Canada cũng lấy ngày Quốc tế Lao động là ngày lễ toàn quốc, ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
© 2024 | Thời báo ĐỨC