Kinh tế Đức tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm

Tỷ lệ lạm phát đã tăng trở lại trong tháng 8/2022 với mức 7,9%. Trong tháng 9/2022, gói hỗ trợ giảm giá nhiên liệu và vé tháng phương tiện công cộng 9 euro không còn hiệu lực nên dự kiến tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn báo cáo mới nhất của Bộ Kinh tế và Bảo vệ môi trường nước này cho biết, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể rơi vào tình trạng trì trệ hoặc thậm chí suy thoái trong nửa cuối năm nay.

1 Kinh Te Duc Tiep Tuc Gap Nhieu Kho Khan Trong Nhung Thang Cuoi Nam

Theo báo cáo, trong nửa đầu năm 2022, nền kinh tế Đức có sự phục hồi nhẹ và đạt tăng trưởng 0,1% trong quý II/2022. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng trong nửa cuối năm đã trở nên mờ nhạt.

Về công nghiệp, cả sản lượng sản xuất công nghiệp và các đơn đặt hàng mới đều giảm trong tháng 7/2022; triển vọng những tháng tới cũng giảm. Về bán lẻ, dù doanh số bán lẻ phục hồi trong tháng 7/2022 nhưng tâm trạng tiêu dùng của người dân tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh mặt bằng giá cả tăng mạnh. Lĩnh vực ngoại thương cũng phát triển yếu, giá trị xuất khẩu giảm nhiều hơn nhập khẩu.

Báo cáo cũng cho biết, nhìn chung cú sốc giá năng lượng do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh đang ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến nền kinh tế Đức. Hiện tại, Đức có thể đối phó tốt hơn với việc Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) so với vài tháng trước, vì các nhà cung cấp khác đã tăng cường cung cấp khí đốt cho Đức.

Các kho dự trữ khí đốt của Đức đang tiếp tục gia tăng khối lượng dự trữ. Nhưng giá khí đốt cao dẫn đến những thiệt hại cho doanh nghiệp và cả phúc lợi xã hội. Giá cao làm cho nhiều chu trình sản xuất không có lãi và làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm được sản xuất ra.

Nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện lo ngại giá điện và giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, không thể loại trừ khả năng nền kinh tế sẽ trì trệ hoặc suy thoái trong nửa cuối năm 2022. Bên cạnh những khó khăn cũng có một số tín hiệu tích cực. Một số dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đang có sự phục hồi. Số lượng các doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng thiếu nguyên liệu đã giảm đáng kể trong tháng 8/2022.

Đồng thời, bất chấp những bất ổn toàn cầu, thị trường lao động Đức đã ổn định trở lại và nhu cầu lao động vẫn ở mức cao./.

Theo Bnews


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày