Các chuyên gia và viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2016, đồng thời kêu gọi tăng cường đầu tư giúp ổn định tăng trưởng.
Kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay. Ảnh: Reuters
Theo 5 viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu là DIW tại Berlin, IWH tại Halle, Ifo tại Munich, IfW tại Kiel và RWI tại Essen tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức năm 2016 được điều chỉnh tăng lên 1,9%, từ mức 1,6% đưa ra hồi mùa Xuân.
Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) ở Berlin, do nhiều ngày nghỉ lễ rơi vào tuần làm việc trong năm tới nên mức tăng trưởng năm 2017 được dự báo sẽ giảm từ 1,5% xuống 1,4%, trong khi tăng trưởng trong năm 2018 dược dự đoán ở mức 1,6%.
Theo các chuyên gia DIW, sở dĩ mức dự báo tăng trưởng được nâng lên trong năm nay là do tiêu dùng nội địa cũng như mức chi tiêu của nhà nước tăng mạnh, trong khi thị trường lao động tăng trưởng tốt.
Chi tiêu đặc biệt tăng mạnh cho vấn đề hội nhập người tị nạn vào xã hội cũng như thị trường lao động.
DIW dự đoán trong năm tới, tỷ lệ thất nghiệp sẽ xuống mức thấp kỷ lục 6,1%. Tuy nhiên, xuất khẩu và đầu tư sẽ chỉ đạt tăng trưởng thấp do triển vọng yếu kém của kinh tế thế giới.
Các chuyên gia DIW bày tỏ không hài lòng với chính sách kinh tế của Chính phủ Đức, kêu gọi Berlin đẩy mạnh hơn nữa đầu tư, đặc biệt cho lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo những thách thức lớn của Đức trước thực trạng già hóa dân số và tỷ lệ di cư cao, yêu cầu cải cách hệ thống hưu trí như việc kéo dài thời gian làm việc.
Cũng theo các chuyên gia, quyết định của cử tri Anh đưa nước này ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể gây bất lợi cho kinh tế Đức nếu những bất đồng trong đàm phán giữa EU và Anh gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.
Trong khi đó, thị trường lao động tại Đức tiếp tục được cải thiện với số người thất nghiệp giảm mạnh.
Theo Cơ quan Lao động liên bang Đức (BA), số người thất nghiệp ở Đức trong tháng 9/2016 là 2,608 triệu người, giảm 77.000 người so với tháng trước và là mức thấp kỷ lục ở Đức kể từ tháng 3/1991.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức tăng 0,7% trong quý I và 0,4% trong quý II nhờ chi tiêu công, chi tiêu của khu vực tư nhân và hoạt động xây dựng đều tăng.
Nguồn thu từ thuế tính trong các tháng 1-8/2016 của Đức tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức tăng dự kiến 3% trong cả năm nay.
Nguồn: bnews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC