Khách sạn Resort Mark Brandenburg ở phía Đông Bắc nước Đức tự hào có nhiều bồn tắm nước nóng, một trong số đó đạt tới 32 độ C (89° F), nhưng việc duy trì độ ấm tại các bồn này đang trở nên rất tốn kém do chi phí năng lượng tăng nhanh.
Giám đốc khách sạn Martin Wenzel cho hay: “Giá tiền điện vẫn leo thang từng ngày, hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan nếu không thể tăng chi phí, nếu bắt buộc phải làm điều đó, chắc chắn sẽ mất đi lượng khách đáng kể.”
Các spa và phòng tắm hơi của Đức đang chuẩn bị cho một mùa đông tiết kiệm năng lượng. Ảnh: DW.
Với chi phí năng lượng tăng vọt, nhiều doanh nghiệp “máu mặt” trong lĩnh vực khách sạn của Đức phải đối mặt với một tương lai “không chắc chắn”. Ông Patrick Rothkopf thuộc Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn của Đức (DEHOGA) cho biết, thậm chí nhiều công ty có thể ngừng kinh doanh.
Lĩnh vực khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí điện, dầu thô và khí đốt tăng cao. Ngoài ra, các chủ nhà hàng và khách sạn luôn phải đối mặt với viễn cảnh thiếu điện cận kề. Ông Rothkopf nói: “Tôi mong đợi các chính trị gia có thể hành động trong khả năng của mình để giảm thiểu áp lực lên các công ty này.
Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn đang nỗ lực cắt giảm chi phí. Ảnh: DW.
Cho đến nay, các nhà lập pháp chưa đưa ra yêu cầu đối với ngành khách sạn phải cắt giảm lượng điện tiêu thụ hoặc giảm hệ thống sưởi. Tuy nhiên, các quy tắc tiết kiệm năng lượng mới của Chính phủ quy định rằng các cơ sở công cộng, chẳng hạn như bảo tàng, phải điều chỉnh hệ thống sưởi vào mùa thu, đông không quá 19 độ C (66° F). Ngoài ra, mọi bảng quảng cáo, thiết bị chiếu sáng phải được tắt trước 10 giờ mỗi tối để tiết kiệm năng lượng.
Hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng đã trở nên rõ ràng tại nhiều điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ví dụ, ở Hamburg (Đức), giới chức trách đã quyết định tắt Đài phun nước Alster mang tính biểu tượng vào đầu năm nay sớm hơn bình thường hai tháng.
Chính quyền Hamburg đang tiết kiệm năng lượng bằng cách đóng cửa Đài phun nước Alster hùng vĩ sớm hơn bình thường hai tháng. Ảnh: DW.
Trong khi đó, thành phố Cologne cũng ngừng chiếu sáng một số nhà thờ nổi tiếng. Tương tự như vậy, chính quyền nước Đức không còn chiếu sáng tòa nhà Reichstag – một tòa nhà lịch sử ở Berlin.
Ngoài ra, thành phố cảng Rostock của vùng Baltic đã hủy bỏ buổi trình diễn ánh sáng toàn thành phố hàng năm kéo dài một tuần.
Đại diện ngành du lịch cũng đã cảnh báo rằng hóa đơn năng lượng tăng cao có thể tác động xấu đến mùa lễ hội thể thao mùa đông năm nay.
Từ đó, các kỳ nghỉ lễ sẽ trở nên đắt đỏ hơn, mọi người dân có xu hướng chi tiêu e dè hơn cho các hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí, tất cả sẽ đè nặng lên ngành du lịch nước Đức.
Bà Huberta Sasse, phát ngôn viên Hiệp hội Du lịch Đức cho biết: “Chi phí tăng đồng nghĩa với việc các dịch vụ du lịch và các chuyến tham quan nhà hàng sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Do đó, một phương pháp nhanh chóng và dễ áp dụng để cắt giảm chi phí có thể là quản lý tốt hơn việc sử dụng hệ thống sưởi và nước ấm – nhiều doanh nghiệp đã thực hiện những nỗ lực như vậy để trở nên tiết kiệm năng lượng hơn.
Tobias Warnecke, người đứng đầu Hiệp hội Khách sạn Đức (IHA) cho biết: “Các khách sạn đang đầu tư đáng kể vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng, vận hành kinh doanh hiệu quả hơn, điều chỉnh giá và tối ưu hóa dịch vụ của họ nhiều nhất có thể. Lĩnh vực khách sạn cũng phải đối mặt với chi phí thực phẩm và lao động tăng cao. Một số nhà hàng thậm chí đã phải giảm giờ mở cửa.
Đặc biệt, các nhà điều hành spa và phòng xông hơi khô sẽ cần phải giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng của họ. Lutz Hertel thuộc Hiệp hội Spa của Đức cho biết các nhà điều hành rất lo ngại khi mùa thu và mùa đông đến gần, thời điểm này chính là “mùa cao điểm” để thu về lợi nhuận. Chi phí tăng cao có thể dẫn đến “lượng khách giảm xuống, khiến doanh nghiệp gặp rắc rối nghiêm trọng về tài chính”.
Dịch vụ xông hơi cũng gặp phải khó khăn tương tự khi chi phí sử dụng điện leo thang. Ảnh: DW.
Khách sạn Mark Brandenburg đã đi trước với các biện pháp tiết kiệm chi phí. Ánh sáng bên ngoài của khách sạn hiện đã được tắt lúc 10 giờ tối và các biện pháp khác đã được lên kế hoạch. Một trong những hồ bơi bên ngoài sẽ lạnh hơn 2 độ.
Được biết, khách sạn không muốn đóng cửa bất kỳ hồ bơi hoặc phòng xông hơi khô nào, vì điều này sẽ khiến khách thất vọng và có thể khiến họ phải đi nghỉ ở nơi khác. Trong khi đó, nỗi sợ hãi lớn nhất của các chủ spa là sẽ phải đóng cửa hoàn toàn, hoặc các khu nghỉ dưỡng phải giảm sử dụng hệ thống sưởi của quận.
Theo DW
© 2024 | Thời báo ĐỨC