‘Khỉ trắng’ – người Tây được thuê để làm màu ở Trung Quốc

Lợi dụng tâm lý sính ngoại của người dân Trung Quốc, các công ty đua nhau thuê người nước ngoài để lăng xê hình ảnh và tiếp thị sản phẩm.

Ba năm trước, khi Katie đang chật vật kiếm sống ở Bắc Kinh thì tình cờ thấy một quảng cáo tuyển dụng trên mạng: “Cần người nước ngoài nói tiếng Trung làm công việc bán thời gian”. Thế là cô gái người Mỹ 25 tuổi nói thông thạo tiếng Trung phổ thông ứng tuyển thành công.

Trợ lý giám đốc là chức danh của Katie trên danh thiếp. Công việc của cô mỗi tuần một lần tháp tùng giám đốc tới các bữa ăn tối với khách hàng.

“Các bữa tối thường diễn ra rất vui vẻ và số tiền công tôi nhận được mỗi lần, 1.000 yuan (145 USD), không tệ chút nào”, cô nói.

 

‘Khỉ trắng’ – người Tây được thuê để làm màu ở Trung Quốc - 0

“Con khỉ trắng”

Dân Trung Quốc nhìn người da trắng là nghĩ đến việc kinh doanh phát đạt và triển vọng vươn ra thế giới.

Do vậy, không có gì lạ khi các công ty nội địa thuê người nước ngoài, đặc biệt là dân phương Tây da trắng, để “làm màu” trong các mối quan hệ với đối tác, South China Morning Post đưa tin.

Từ lâu, hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc nhưng dính yếu tố nước ngoài, chẳng hạn một cái tên nghe Tây hoặc có người mẫu da trắng quảng cáo, thường được coi là sản phẩm cao cấp.

Chính tâm lý sính ngoại này đã biến Trung Quốc trở thành mảnh đất màu mỡ của những người nước ngoài kiếm sống dựa vào ngoại hình bất kể kỹ năng chuyên môn. Họ được thuê đóng giả đủ vai, từ vận động viên, kiến trúc sư, luật sư cho đến chuyên viên marketing.

Thống kê cho thấy ngành dịch vụ cho thuê người nước ngoài đã tồn tại ở Trung Quốc hơn 10 năm nay và phổ biến đến nỗi một số gương mặt còn trở nên quen thuộc. Năm 2016, hơn 900.000 người nước ngoài làm công việc này, tăng mạnh so với chỉ 10.000 người vào những năm 1980.

Tháng trước, một công ty sửa chữa xe ôtô ở tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc công khai đăng tuyển trên mạng xã hội WeChat Thượng Hải “các diễn viên phương Tây đóng vai thợ sửa máy” cho buổi lễ khai trương vào ngày 1/5.

Thực tế này được khắc họa rõ nét trong bộ phim tài liệu dài 73 phút “Dream Empire” của đạo diễn người Mỹ David Borenstein. Trong phim, những người nước ngoài như Katie tự gọi bản thân là “con khỉ trắng” vì đó chính xác là cảm giác của họ khi “diễn”.

“Khán giả xem anh diễn vì màu da của anh, họ không quan tâm anh đang làm trò gì. Kiểu như làm một con khỉ trong vườn thú vậy”, đạo diễn Borenstein nói.

“Thật thật, giả giả”

Borenstein, sinh ra và lớn lên ở thành phố biển Miami, Florida, Mỹ, thực hiện bộ phim tài liệu chủ yếu dựa vào trải nghiệm của bản thân trong thời sống ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Khi đó, Borenstein đến Trung Quốc theo học bổng Fulbright nghiên cứu về nhân chủng học. Từ 2011 đến 2013, anh nhận hàng chục công việc cần người nước ngoài.

Lần đầu tiên Borenstein được thuê làm công việc này là khi một người môi giới tiếp cận anh trên phố và hỏi anh có muốn đóng vai là một thành viên trong ban nhạc tại lễ khai trương một dự án bất động sản hay không.

Borenstein đã tới vào ngày hôm sau vì tò mò. Và rồi anh trở thành một thành viên trong một ban nhạc gồm toàn những người anh chưa từng quen biết. Trên nền nhạc sẵn có, ban nhạc giả bộ biểu diễn trước đám đông các khách hàng tiềm năng.

“Sau đó, tôi phát hiện ra là tay chơi keyboard đã làm công việc này 5 năm rồi, giả vờ chơi keyboard ý”, Borenstein nói và nhớ lại kể cả “kiến trúc sư người nước ngoài” được giới thiệu là đối tác của chủ dự án hóa ra cũng là đồ giả.

Trong gần 3 năm làm việc với công ty môi giới, Borenstein đã biểu diễn tại hơn 50 thành phố. Hầu hết đều là các sự kiện giới thiệu các dự án bất động sản.

“Mỗi khi có các nhà đầu tư và chính khách tới thăm, những thị trấn ma ở vùng nông thôn hẻo lánh được phù phép biến thành ‘những thành phố toàn cầu hóa đang phát triển bùng nổ’ nhờ vào công cụ là người nước ngoài”, anh nói.

“Người ta cho rằng người ngoại quốc ai cũng giàu, có kỹ năng và học thức nhưng đâu phải như vậy. Khách hàng càng hiểu biết thì càng dễ nhận ra ai thật, ai giả”, theo Mike Ren, một nhà thiết kế trò chơi điện tử người Mỹ sống tại Thượng Hải. Ren nói hành động thuê người nước ngoài đánh bóng hình ảnh không sai miễn là việc đó không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng coi dịch vụ này vô hại. Nhiều chuyên gia nước ngoài sống ở Trung Quốc như John Lombard, một doanh nhân Canada, cho rằng những người nước ngoài làm thuê kiểu này đang làm ảnh hưởng đến những ai làm ăn đàng hoàng ở Trung Quốc.

“Họ phá hoại uy tín của người nước ngoài nói chung và khiến tôi khó tạo được tin tưởng cũng như sự tín nhiệm ở đối tác và khách hàng tiềm năng. Đó là một ngành dịch vụ xây trên sự dối trá và lừa đảo”, Lombard, người đã làm việc ở Trung Quốc hơn 20 năm, bày tỏ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Li Bochun, hiện tượng này phản ánh thực trạng người Trung Quốc không tự tin vào bản sắc văn hóa của mình.

Ông cũng cho rằng việc các công ty sử dụng người nước ngoài để đánh bóng hình ảnh thể hiện tâm lý sính ngoại của xã hội Trung Quốc. Ông gợi ý chính quyền có thể cải thiện tình trạng này bằng cách giáo dục người dân về tầm quan trọng và giá trị của lịch sử văn hóa đất nước.

“Trong nhiều trường hợp, (việc thuê người nước ngoài đánh bóng hình ảnh) chỉ đơn thuần là trò lừa bịp”, ông Li nhận xét.

Tuy nhiên, đối với Katie, việc cô đang làm, đi ăn tối với giám đốc công ty mỗi tháng một lần, không phải là lừa đảo bởi vì cô không bao giờ tham gia bàn bạc chuyện kinh doanh với khách hàng.

“Tôi không bao giờ cảm thấy khó chịu, lo lắng hay bất an khi tới những bữa tối như thế. Với tôi, công việc đó ổn”, cô nói.

Theo An Hồng / VnExpress


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày