Phát biểu tại một hội nghị tại thủ đô Praha của CH Séc, Phó Chủ tịch EC Timmermans nói:
“Bất kỳ lúc nào nước Anh tuyên bố họ đã cân nhắc và muốn ở lại, họ sẽ được chào đón”.
Quan điểm trên của ông Timmermans cũng giống với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã khẳng định hôm 13/6 rằng cánh cửa luôn mở chào mừng nước Anh trở lại.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans. Ảnh: AFP/TTXVN
Các tuyên bố trên của giới chức châu Âu được đưa ra trong bối cảnh người dân Anh đã giảm bớt sự ủng hộ đối với đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May, đảng chủ trương đưa Anh rời khỏi EU (Brexit). Trong cuộc bầu cử trước thời hạn vừa qua, đảng này đã mất 12 ghế so với kỳ bầu cử trước, trong khi Công đảng tăng 30 ghế.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, chính quyền Scotland cho biết sẽ phối hợp với các đảng phái ở xứ này để kịch bản Brexit sẽ "bớt tồi tệ nhất" đối với Scotland. Trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016, các cử tri Scotland đã bỏ phiếu lựa chọn ở lại châu Âu, song họ đã không đủ sức thay đổi tình thế.
Chính quyền Edinburgh do đảng Dân tộc Scotland (SNP) đứng đầu ở Scotland khi đó tuyên bố người Scotland cần tiến hành một cuộc bỏ phiếu mới để rời Vương quốc Anh, mở cánh cửa cho xứ này ở lại châu Âu.
Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử trước thời hạn vừa qua ở Vương quốc Anh, SNP đã mất ghế, dấu hiệu cho thấy người dân Anh không ủng hộ Scotland ở lại châu Âu một mình.
Người phụ trách Brexit của Scotland, ông Michael Russell cho biết ông sẽ có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các đảng phái ở Scotland để thống nhất về các vấn đề chủ chốt nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của Brexit đối với Scotland và tạo điều kiện cho việc Scotland tái gia nhập EU nếu người dân địa phương chọn con đường này trong tương lai.
Một cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 15/6 cho thấy người dân EU hiện nghĩ tốt hơn về EU so với thời điểm cách đây một năm, khi người Anh bỏ phiếu Brexit. Trung tâm nghiên cứu Pew Research (có trụ sở ở Mỹ) cho biết 54% số người được hỏi có quan điểm tích cực hơn về EU, tăng 10% so với cách đây 1 năm.
Trong khi đó, 40% số người vẫn có cái nhìn không thuận và có 35% số ý kiến cho biết muốn đất nước họ làm theo gương Anh quốc: rời khỏi EU. Người Italy và Hy Lạp ít muốn kịch bản này nhất, trong khi người Ba Lan và Hungary nằm trong số những người hay than vãn về EU nhất.
Cuộc thăm dò trên không nghiên cứu lý do dẫn tới sự thay đổi tình cảm của người dân EU. Tuy nhiên, thăm dò cũng cho thấy các chính sách về kinh tế và nhập cư của EU được nhiều người ủng hộ hơn. Hai lĩnh vực này vốn là nguồn cơn gây tức giận nhằm trực tiếp vào Brussels.
Kết quả thăm dò trên sẽ là sự cổ vũ rất lớn đối với các lãnh đạo EU khi họ nhóm họp thượng đỉnh vào tuần tới. Một số người từng lo ngại rằng "cú sốc" Brexit sẽ kéo theo một loạt các cuộc khủng hoảng nghiêm tọng trong nền kinh tế Khu vực Sử dụng đồng euro (Eurozone) và cùng với tình trạng nhập cư bất thường, sự sống còn của khối đứng trước nguy cơ lớn./.
TTXVN
© 2024 | Thời báo ĐỨC