Mấu chốt để EU có thể tồn tại thêm 60 năm nữa chính là sự linh hoạt. Giống như Anh, một ngày nào đó, một quốc gia EU khác cũng có thể “dứt áo ra đi”. Nếu không thể chấp nhận sự khác biệt, EU sẽ phải đối mặt với nguy cơ tan rã.
Vào ngày 25/03/1957, trong bầu không khí u ám của thế chiến thứ hai, sáu quốc gia Châu Âu đã ký kết hiệp định thành lập một tổ chức quốc tế - Liên Minh Châu Âu ( EU ). Từ đó tới nay, EU đã kết nạp thêm 22 thành viên, nâng tổng số quốc gia thành viên lên 28.
Có thể nói EU đã đạt được nhiều thành tựu to lớn mà có lẽ chính những người sáng lập ban đầu cũng không thể ngờ tới. Không chỉ củng cố nền hoà bình cho châu lục, EU còn tạo ra một thị trường đơn nhất cũng như một đồng tiền duy nhất.
Tuy nhiên, mặc dù hôm qua (25/3) các nhà lãnh đạo Châu Âu họp mặt tại Rome để kỷ niệm 60 năm thành lập EU, chắc hẳn ai cũng hiểu rõ rằng liên minh này đang phải đối mặt với một thử thách lớn.
Nguy cơ đến từ bên ngoài và trong chính nội bộ EU. Những thiếu sót của EU lộ rõ khi cuộc khủng hoảng đồng euro vẫn chưa được giải quyết ổn thoả. Trước tình hình kinh tế bất ổn kéo dài, sự ủng hộ dành cho EU đã giảm mạnh.
Những đối tượng theo chủ nghĩa dân tuý và chống Châu Âu hiện đang liên tục đả kích sự tồn tại của EU. Tại Pháp, dù khó có thể chiến thắng vào tháng năm, nhưng chiến dịch tranh cử tổng thống của Marine Le Pen, lãnh đạo của Đảng Mặt trận Quốc gia – phe ủng hộ chủ nghĩa dân tuý, có nhiều dấu hiệu tích cực.
Bên cạnh đó, làn sóng chống EU đã có một kết quả vô cùng kịch tính: Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May không tham dự “bữa tiệc sinh nhật” tại Rome; bởi vào ngày 29/03, bà sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, khởi động quá trình “ly hôn” EU.
Những cuộc đàm phán về sự ra đi của Anh chắc chắn sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức trong hai năm tới. Không chỉ vậy, mất đi một thành viên quan trọng, tầm ảnh hưởng và uy tín của EU cũng chịu tổn thất không nhỏ.
Về phía tác động bên ngoài, áp lực từ bên ngoài tới EU khá nghiêm trọng. Khủng hoảng tị nạn giảm chủ yếu là nhờ thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.
Một nước Nga hiếu chiến hơn dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin cùng tân tổng thống Mỹ Donald Trump – người không hề hứng thú với cả EU và NATO – khiến Châu Âu lâm vào thế yếu, dễ dàng bị chia rẽ.
Liên minh không đoàn kết
Phản ứng truyền thống của những người ủng hộ EU trước những thử thách này là nhấn mạnh sự đoàn kết trong liên minh.
Theo họ, đây chính là điều cần thiết cho đồng euro . Đồng thời, họ cũng cho biết EU cần nắm giữ thêm nhiều quyền lực nhằm củng cố biên giới với các khu vực bên ngoài và đảm bảo tiếng nói của mình trước Putin và Trump. Tuy nhiên, dư luận lại ủng hộ điều ngược lại.
Khủng hoảng đồng euro đã vượt qua thời gian tồi tệ nhất, vấn đề dân nhập cư không còn nghiêm trọng, Brexit có lẽ sẽ sớm ổn thoả.
Nếu sau cuộc bầu cử năm nay, Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp, Angela Merkel hoặc Martin Schulz trở thành thủ tướng Đức, thì đội ngũ lãnh đạo EU sẽ gồm những người ủng hộ liên minh kiên quyết nhất.
Tuy nhiên, kịch bản này cũng tồn tại nhiều nguy cơ. EU có thể “tan đàn xẻ nghé” nếu nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới ảnh hưởng tiêu cực tới đồng euro hay một cuộc trưng cầu dân ý mới về vấn đề đi hay ở lại EU hoặc khu vực đồng tiền chung euro.
Liệu có lựa chọn nào tốt hơn?
Câu trả lời là cần phải chính thức xây dựng một EU linh hoạt hơn. Về phía đồng euro, linh hoạt hơn tức là cần có một hệ thống “đa cấp” (multi-tier) với thêm nhiều quốc gia Châu Âu tham gia hoạch định chính sách cho EU ở những mức độ khác nhau; đồng thời, hệ thống này cần đủ linh hoạt để có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các cấp.
Châu Âu “đa cấp”
Gần đây, có nhiều đồn đoán về lợi ích của khái niệm Châu Âu “đa tốc độ” (“multi-speed” Europe). Tuy nhiên, theo các nhà lãnh đạo Châu Âu, khái niệm này có nghĩa: những thành viên nòng cốt của EU cần theo đuổi các chính sách chung trong các lĩnh vực như quốc phòng, tài khoá hay phúc lợi; tức là mọi quốc gia đều nhắm tới cùng một đích đến.
Những quốc gia không phải là thành viên EU cũng có một “ghế” trong một Châu Âu “đa cấp” và rộng hơn. Châu Âu gồm 48 quốc gia với 750 triệu người, thay vì chỉ giới hạn trong 28 quốc gia thành viên EU với dân số 510 triệu người.
Nòng cốt của Châu Âu là những quốc gia sử dụng đồng tiền chung. Để giải quyết vấn đề đồng euro, những quốc gia này cần hợp tác nhiều hơn và cần có các tổ chức chung – từ một liên minh ngân hàng thích hợp tới một công cụ nợ chung.
Cấp tiếp theo sẽ gồm một nhóm “lỏng” hơn các thành viên của EU hiện nay. Nhóm này gồm những quốc gia sẵn sàng hi sinh chủ quyền cần thiết để gia nhập khu vực đồng euro. Đây là một việc làm mà có lẽ nhiều quốc gia sẽ không thực hiện trong dài hạn, hoặc sẽ không bao giờ thực hiện.
Ngoài ra, một Châu Âu đa cấp nên là một mái nhà chung cho thêm nhiều quốc gia, tức là cần thay đổi tư tưởng thay vì chỉ thay đổi hiệp ước. Với nhiều quốc gia EU, đây là một lời xúc phạm; nhưng đây lại là những gì người dân Châu Âu mong muốn.
Có lẽ, những quốc gia như Thuỵ Điển hay Na Uy cũng mong muốn tới gần hơn với thị trường đơn nhất của EU. Nhiều quốc gia khác như Anh, dù không chấp thuận các quy định của thị trường đơn nhất, nhưng vẫn hi vọng có thể kinh doanh tự do với EU. Những quốc gia này có thể giữ vai trò lớn hơn trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng và an ninh.
Những khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Balkans, Ukraine hay Georgia có lẽ cũng mong muốn có một vị trí tốt hơn thay vì mãi mắc kẹt trong trạng thái hiện tại: dù được thông báo là chưa đủ điều kiện để trở thành thành viên chính thức của EU, nhưng họ hiểu rằng họ sẽ không bao giờ được phép gia nhập.
Một Châu Âu đa cấp cần thực tế hơn khi đưa ra các quy định cho mỗi cấp. Ví dụ, những quốc gia ở vòng ngoài có thể không hoàn toàn ủng hộ quyền tự do đi lại của công dân, nhưng không nên vì thế mà ngăn cản họ gia nhập thị trường đơn nhất của EU. Đồng thời, không nên kỳ thị và coi những quốc gia không thuộc nòng cốt của EU là “quốc gia hạng hai”.
Bên cạnh đó, nên có nhiều con đường cho các quốc gia sở hữu quân đội hay có ảnh hưởng ngoại giao (ví dụ như Anh sau Brexit) tham gia hoạch định chính sách ngoại giao và quốc phòng.
Mấu chốt để EU có thể tồn tại thêm 60 năm nữa chính là sự linh hoạt. Giống như Anh, một ngày nào đó, một quốc gia EU khác cũng có thể “dứt áo ra đi”. Nếu không thể chấp nhận sự khác biệt, EU sẽ phải đối mặt với nguy cơ tan rã.
Theo Quỳnh Mai-Trí thức trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC