Thông tin này được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nêu ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Interfax-Ukraine hôm 5/5. Ông cho rằng, việc phân bổ tài sản bị đóng băng của Nga tại EU vào việc tái thiết Ukraine là cần thiết.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng điều này là cực kỳ quan trọng. Không chỉ đóng băng tài sản mà còn có thể tịch thu chúng để cung cấp cho việc tái thiết đất nước Ukraine", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. (Ảnh: Reuters)
Theo tiết lộ của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, ông đã làm việc với cơ quan pháp lý của Hội đồng châu Âu để đưa ra “một số ý tưởng khả thi nhằm tìm ra một giải pháp pháp lý phù hợp... tạo điều kiện cho việc tịch thu tài sản của những cá nhân bị EU hoặc các quốc gia khác trên thế giới trừng phạt".
Ông Charles Michel cho rằng hành động theo cách như vậy là câu trả lời cho "câu hỏi về sự công bằng, câu hỏi về công lý”.
Tuy nhiên, ông Charles Michel thừa nhận rằng việc thực hiện kế hoạch của mình trên “bình diện pháp lý không đơn giản như vậy”.
“Có 27 hệ thống pháp luật từ các thành viên EU. Điều này cần được chấp thuận của tòa án mới đưa ra quyết định để thực hiện. Cần có thời gian, và đó là một quá trình khó khăn và lâu dài", ông Charles Michel cho hay.
Ý tưởng của Chủ tịch Hội đồng châu Âu lặp lại những ý kiến đã được Washington lên tiếng trước đó. Vào cuối tháng 4, Nhà Trắng đã trình bày một loạt "đề xuất toàn diện" nhằm buộc các "nhà tài phiệt" của Nga phải chịu trách nhiệm về các sự kiện ở Ukraine.
Theo đó, các đề xuất của Nhà Trắng bao gồm "thiết lập một cơ quan hành chính" có thể tịch thu các tài sản bị trừng phạt và chuyển chúng cho Kiev để "khắc phục hậu quả từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga".
Phản ứng trước ý tưởng từ Washington, Moskva cho rằng các kế hoạch đó “không có gì khác ngoài việc chiếm đoạt tài sản tư nhân, và Mỹ đang tìm cách biện minh một cách sai trái cho việc làm của mình”.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, điều này sẽ trở thành “một tiền lệ rất nguy hiểm”, cho thấy “tất cả các nền tảng vốn được chấp nhận rộng rãi đã trở nên hết sức mỏng manh” trong lĩnh vực quyền sở hữu tư nhân, kinh tế và chính trị.
KÔNG ANH
Nguồn: vtc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC