Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck - Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 13/9 cho biết Berlin đang hoạch định chính sách thương mại mới với Trung Quốc để giảm phụ thuộc vào vật liệu thô, pin và chất bán dẫn từ quốc gia châu Á. Ông Habeck khẳng định Berlin sẽ “không còn ngây thơ” trong các giao dịch thương mại với Bắc Kinh.
“Trung Quốc là một đối tác thương mại được hoan nghênh, nhưng Đức không thể cho phép chủ nghĩa bảo hộ của Bắc Kinh bóp méo sự cạnh tranh”, Bộ trưởng Kinh tế Đức khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với Reuters. “Chúng tôi không để chính mình bị tống tiền”.
Dù không nêu đầy đủ các biện pháp mới, ông Habeck cho biết những biện pháp này sẽ bao gồm việc kiểm tra chặt chẽ hơn đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu, như vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Trong 6 năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức với kim ngạch thương mại đạt 245 tỷ Euro (tương đương 246 tỷ USD) năm 2021. Tuy nhiên, Chính phủ Đức hiện tại đang tỏ rõ lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh so với chính quyền tiền nhiệm do lo ngại về sự phụ thuộc vào siêu cường kinh tế châu Á.
Berlin muốn xem xét các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu một cách chặt chẽ hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng châu Âu không nên ủng hộ Sáng kiến Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh.
Tuần trước, Reuters đưa tin cho biết Bộ Kinh tế Mỹ đang cân nhắc các biện pháp bao gồm giảm hoặc thậm chí hủy bỏ bảo lãnh đầu tư và xuất khẩu cho Trung Quốc, dừng xúc tiến các hội chợ thương mại.
Ông Habeck cho biết Đức phải mở cửa với các đối tác thương mại mới cũng như các khu vực mới bởi nhiều ngành công nghiệp của nước này đang phụ thuộc quá lớn vào việc bán hàng sang Trung Quốc.
"Nếu thị trường Trung Quốc đóng cửa (điều ít khả năng xảy ra ở thời điểm này), chúng tôi sẽ gặp rắc rối trong việc bán hàng”, ông Habeck nói.
Ông cũng cho biết Berlin muốn xem xét các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu một cách chặt chẽ hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng châu Âu không nên ủng hộ Sáng kiến Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh. Theo ông, mục đích của sáng kiến này là thâu tóm cơ sở hạ tầng chiến lược ở châu Âu và gây ảnh hưởng tới chính sách thương mại.
Dẫn ví dụ về việc này, ông Habeck cho biết ông phản đối kế hoạch mua lại cổ phần của một đơn vị khai thác container tại cảng Hafen Hamburg (Đức) của công ty Cosco Trung Quốc. Bộ trưởng Kinh tế Đức lo ngại rằng làn sóng thâu tóm của Trung Quốc đang lan từ ngành công nghệ sang các ngành công nghiệp khác như hậu cần.
Theo Reuters, Trung Quốc không tham gia cùng các nước phương Tây áp đặt trừng phạt lên Nga liên quan cuộc chiến tranh ở Ukraine, nhưng cũng không thể hiện sự đồng tình nào với các hành động của Moscow vì Bắc Kinh cần duy trì quan hệ thương mại với châu Âu.
Phương Linh
Nguồn: vneconomy.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC