Đức rơi vào khủng hoảng chính trị

Nước Đức hôm nay rơi vào khủng hoảng chính trị. Đàm phán thành lập chính phủ mới đã thất bại vào đêm 19/11.

Hai tháng sau bầu cử Quốc hội với chiến thắng của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, đảng này vẫn chưa thể thành lập liên minh cầm quyền, gồm 3 đảng như ý định ban đầu. Không thể thành lập chính phủ, Đức có thể phải tổ chức bầu lại Quốc hội.

Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo mà bà Angela Merkel làm Chủ tịch chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội cuối tháng 9 nhưng với kết quả kém hơn nhiều so với lần trước, đảng này buộc phải liên minh với 2 đảng khác mới đủ đa số trong Quốc hội để thành lập chính phủ.

Lần trước, chỉ 2 đảng về nhất đàm phán với nhau cũng đã rất khó khăn. Nay đàm phán tay ba kéo dài đã gần 2 tháng. Vào đêm qua (19/11), đảng Dân chủ Tự do tuyên bố bỏ cuộc.

Đức rơi vào khủng hoảng chính trị - 0

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo tuyên bố tin xấu, AFP

Ba đảng đã không thể dung hòa quan điểm trong nhiều lĩnh vực: chính sách thuế, chính sách nhập cư và giáo dục, vấn đề môi trường. Ví dụ như về môi trường, đảng Xanh muốn nước Đức từ bỏ dùng than đá càng sớm càng tốt nhưng hai đảng kia không chịu, vì e ngại bỏ than đá ngay, sản xuất công nghiệp giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Về nhập cư, ba đảng đã không thể nhất trí về chuyện mỗi năm nước Đức sẽ tiếp nhận bao nhiêu người tỵ nạn và những người nhập cư nào có quyền đưa gia đình sang Đức đoàn tụ.

Hiến pháp Đức không quy định thời hạn phải thành lập chính phủ là bao lâu sau bầu cử. Bà Angela Merkel nếu muốn vẫn có thời gian vận động thành lập một liên minh cầm quyền theo cách khác, ví dụ như liên minh 4 đảng. Nhưng đàm phán tay tư sẽ là phức tạp hơn rất nhiều. Giải pháp khả dĩ nhất lúc này là tổ chức bầu cử lại, rồi dựa trên kết quả bầu cử mới để thành lập chính phủ. Chính trị Đức sẽ đi theo hướng nào, câu hỏi lúc này chưa thể trả lời, cả ở trong nước Đức lẫn trên bình diện Liên minh châu Âu.

Trong Hội nghị Khí hậu tuần trước, bà Angela Merkel lúc đó vẫn đang đàm phán thành lập chính phủ, giữa 3 đảng của Đức đang có nhiều bất đồng về cam kết môi trường. Vậy nên bà Angela Merkel đã không thể nói rõ ràng về chính sách năng lượng của nước Đức sẽ ra sao, cụ thể là khi nào nước Đức thôi dùng than đá để sản xuất điện. Khi nước Đức còn chưa định hình được chính sách trong nước khó có thể xác định được chính sách đối ngoại trong từng vấn đề. Bế tắc chính trị tại Đức là tin xấu đối với Tổng thống Pháp khi ông đang trông chờ hợp sức với Đức để thúc đẩy các ý tưởng xây dựng ngôi nhà chung châu Âu.

Hồng Quang - Đoàn Hà (Thường trú Đài THVN tại châu Âu)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày