Cựu điệp viên Sergei Skripal (trái) trong phiên xét xử tại tòa án quân sự Moskva, Nga ngày 9/8/2006. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết theo Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao, Berlin đã chọn 4 nhà ngoại giao trên để trục xuất dựa trên mối liên hệ của họ với cơ quan tình báo.
Quan chức này khẳng định Công ước Vienna không bao gồm điều khoản giới hạn số nhân viên ngoại giao trong phái bộ của một nước, do đó Moskva có thể thay thế 4 nhân vật này.
Trước đó, với sự nhất trí trong liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), Chính phủ Đức quyết định đứng về phía Anh, đưa ra biện pháp cứng rắn bằng việc trục xuất một số nhà ngoại giao Nga tại nước này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Angela Merkel đã nhiều lần kêu gọi phía Nga hợp tác điều tra vụ việc.
Trả lời phỏng vấn báo Passauer Neue Presse (Tin mới) ngày 28/3, điều phối viên của Chính phủ Đức về quan hệ với Nga Gernot Erler nêu rõ việc Đức trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga là nhằm thể hiện sự đoàn kết với London trong vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc.
Tuy nhiên, ông Erler khẳng định các kênh thông tin giữa Đức và Nga vẫn mở rộng. Berlin vẫn muốn duy trì đối thoại với Moskva và tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh khác xảy ra.
Thông tin nêu trên được đưa ra trùng thời điểm với các nguồn tin từ Brussels cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ chỉ giữ mức trừng phạt Nga như hiện nay mà không có thêm các chế tài về kinh tế liên quan vụ việc.
Theo hãng tin Reuters, các ngoại trưởng EU sẽ thảo luận về mối quan hệ với Nga vào ngày 16/4 tới. Theo một quan chức cấp cao EU, quả bóng đang ở phía sân Moskva và EU sẽ xem cách thức phản ứng đáp trả của Nga liên quan việc trục xuất các nhà ngoại giao EU.
Sau đó, EU sẽ thảo luận, song dường như sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva.
Một nguồn thạo tin từ EU cũng cho biết lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga của các nước EU đã là "giới hạn đỏ," có nghĩa khối này có thể sẽ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt tiếp theo.
Để bày tỏ tình đoàn kết với Anh, cho tới nay đã có 19/28 nước EU ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga, trong khi 3 nước khác triệu hồi Đại sứ tại Nga để tham vấn.
Chỉ có Hy Lạp, Bulgaria, Cyprus, Bồ Đào Nga, Slovenia và Áo không có hành động.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc chính quyền Mỹ tìm mọi cách gây sức ép đối với các đồng minh nhằm trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Chính quyền Nga cũng đã nhiều lần khẳng định không liên quan đến vụ đầu độc tại thành phố Salisbury của Anh, đồng thời cho rằng đây là âm mưu của phương Tây nhằm hạ thấp uy tín của nước Nga./.
Vietnam+
© 2024 | Thời báo ĐỨC