Đức đề xuất châu Âu xây đường ống dẫn khí đốt mới

Thủ tướng Đức thúc đẩy xây đường ống dẫn khí đốt từ Bồ Đào Nha qua Pháp đến Trung Âu để giúp khu vực giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga.

Tại cuộc họp báo ngày 11/8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói ông đã thảo luận ý tưởng với lãnh đạo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

“Chúng ta thực sự nên thực hiện một dự án như vậy”, ông Scholz nói, cho rằng đang “vắng bóng” một đường ống khí đốt qua Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp đến Trung Âu nhưng không nêu chi tiết. Ông bổ sung cũng cần có “các kết nối giữa Bắc Phi và châu Âu, giúp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng”.

Trước đó, một dự án có tên Midcat kết nối Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp được công bố năm 2013 nhưng vấp phải sự phản đối từ các nhà hoạt động môi trường và phải tạm dừng năm 2019. Sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát cuối tháng 2, bà von der Leyen kêu gọi nối lại Midcat, nói dự án có tầm quan trọng về địa chính trị. Madrid cũng ủng hộ việc này.

Thiếu nguồn cung thay thế được coi là trở ngại chính trong nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2. EU tháng 7 thông qua đề xuất các nước thành viên tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3/2023.

1 Duc De Xuat Chau Au Xay Duong Ong Dan Khi Dot Moi

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store tại Berlin, ngày 19/1. Ảnh: Reuters.

Một dự án đường ống khí đốt mới sẽ không hoàn thành kịp lúc cho Đức, quốc gia đang chạy đua tìm nguồn cung khi lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất. Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Thiếu khí đốt khiến ngành công nghiệp Đức lo ngại Berlin có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí đốt, đồng nghĩa nguồn cung mặt hàng này sẽ được phân bổ theo hạn mức – cấp cao nhất trong kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn. Trong trường hợp này, nguồn cung cho ngành công nghiệp sẽ bị cắt giảm để ưu tiên cho các hộ gia đình và cơ sở quan trọng như bệnh viện.

Đức đang trong cấp hai “đáng báo động”, phản ánh tình hình cung cấp khí đốt đang xấu đi đáng kể.

Thủ tướng Scholz nói Đức đang trải qua “giai đoạn khó khăn” nhưng tuyên bố chính phủ sẽ “làm hết sức để đảm bảo người dân vượt qua thời gian này”. Ông tự tin Đức có thể bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Nga, với các cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng được xây dựng ở Biển Bắc, dự kiến hoạt động đầu năm 2023.

Nguồn: Vnexpress


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày