Quỹ Bình ổn Kinh tế của Đức (WSF), được thành lập trong thời kỳ đại dịch COVID-19 vào năm 2020, sẽ quản lý và phân phối gói viện trợ này của nhà nước.Với việc khởi động lại quỹ WSF, Đức cũng đang phản ứng với sự thay đổi nguồn cung khí đốt của Nga, sau khi rò rỉ ở đường ống Nord Stream 1 và 2 dẫn đến dòng chảy khí đốt bị gián đoạn vô thời hạn.
Ông Scholz cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho tình huống này”, đồng thời dự kiến sẽ không có nguồn cung cấp khí đốt từ Nga trong tương lai gần. Đức đã tích cực tìm kiếm các đối tác thương mại mới và mở rộng sản xuất điện hạt nhân và than đá kể từ khi bắt đầu diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Hai trong số ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức vẫn có thể được vận hành trong quý I/2023, mặc dù kế hoạch của nước này là dừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay.
Giá điện và khí đốt sẽ được giới hạn để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Trước cuộc khủng hoảng năng lượng, Chính phủ Đức đã đưa ra các gói cứu trợ lạm phát trị giá 95 tỷ euro.
Cũng trong ngày 29/9, Cơ quan thống kê của Đức (Destatis) thông báo, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 9/2022 đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ đầu những năm 1950 đến nay.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1990, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đạt mức hai con số. Trước đó trong tháng 8/2022, lạm phát của Đức tăng trở lại và đạt mức 7,9%, sau hai tháng giảm nhẹ trước đó.
Ông Scholz cũng nói rằng một biểu thuế khí đốt, vốn sẽ cho phép các công ty điện chuyển chi phí năng lượng cao cho người tiêu dùng, giờ sẽ không được áp dụng. Thay vào đó, các công ty này được nhận hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ để tránh tạo thêm gánh nặng tài chính cho người dân.
Ngay trước khi Thủ tướng Scholz công bố Quỹ bình ổn kinh tế, các viện kinh tế hàng đầu của Đức đã cắt giảm dự báo của họ về nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2023. Hiện các viện kinh tế dự đoán kinh tế Đức sẽ suy thoái ở mức 0,4%, thay vì mức tăng trưởng 3,1% được dự báo trước đó.
Nguồn: Bnews
© 2024 | Thời báo ĐỨC