Ảnh minh họa. (Nguồn: Imago)
Tờ báo Bild am Sonntag cho biết hiện có khoảng 360.000 vị trí việc làm trong khu vực công ở Đức bị bỏ trống.
Báo dẫn số liệu thống kê của công ty tư vấn McKinsey cho biết đến năm 2030, Đức phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 840.000 nhân viên làm việc toàn thời gian. Trong khi theo DBB, sẽ có khoảng 1,3 triệu nhân viên khu vực công sẽ nghỉ hưu trong vòng 7 năm tới.
Phát biểu với báo trên, Chủ tịch Liên minh Thuế quan Đức Florian Köbler cho biết: “Làn sóng nghỉ hưu của thế hệ baby boomer (những người được sinh ra trong khoảng thời gian có sự gia tăng rõ rệt về tỷ lệ sinh của dân số) hiện đã cận kề và sẽ tăng mạnh từ năm 2028 trở đi.”
Ông Florian Köbler kêu gọi cải thiện điều kiện làm việc, khẳng định rằng mức lương và điều kiện làm việc không hấp dẫn trong các văn phòng cũ kỹ sẽ cản trở việc tuyển dụng người thay thế và có khả năng làm chậm quá trình thu thuế. Ông nói: “Nếu không có đủ nguồn thu từ thuế, nhà nước có nguy cơ mất khả năng hành động.”
Một số công đoàn khác cũng cảnh báo về khủng hoảng lao động. Cũng chia sẻ với báo Bild am Sonntag, ông René Müller, người đứng đầu Liên đoàn cán bộ trại giam nhận định: “Nếu tình hình tiếp tục xấu hơn, chúng tôi sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ nhà nước của mình nữa.”
Theo Hiệp hội cảnh sát DPolG, có khoảng 50.000 vị trí cần được bổ sung khẩn cấp trong các cơ quan thực thi pháp luật.
Trước đó, Chủ tịch DBB Ulrich Silberbach cũng đã cảnh báo về hậu quả của việc thiếu nhân sự sắp xảy ra.
Ông Ulrich Silberbach nói: “Nếu cuối cùng chúng ta không đạt được tiến bộ về số hóa và giảm bớt bộ máy quan liêu, thì tình trạng thiếu nhân viên sắp xảy ra sẽ kéo dài thời gian xử lý công việc và làm suy yếu đáng kể hiệu suất chung của đất nước”./.
Phương Hoa
© 2024 | Thời báo ĐỨC