Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép tại Salzgitter, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Hội đồng này cho rằng những mâu thuẫn thương mại leo thang sẽ phá hủy các chuỗi giá trị toàn cầu và trong trung hạn sẽ đe dọa hệ thống thương mại dựa trên các quy định quốc tế.
Trong báo cáo thường kỳ các chuyên gia kinh tế này cũng nhấn mạnh những mối đe dọa khác, như cuộc “ly hôn ồn ào” của nước Anh với Liên minh châu Âu (EU) (hay còn gọi là Brexit), kết quả bầu cử nghiêng về phía những người thuộc chủ nghĩa dân túy của Italy, những nguy cơ địa chính trị từ tình trạng chiến tranh và xung đột, và cuộc khủng hoảng tài chính đang kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia này cho rằng hoạt động thương mại toàn cầu vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với đà tăng trưởng liên tục của kinh tế toàn cầu.
Chính vì vậy mà mối đe dọa nói trên từ Washington đối với thương mại là yếu tố lớn nhất khiến họ nhận định rằng “những nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế đang gia tăng trong thời gian gần đây”.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ngày 21/3 cho biết những lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu đã trở thành chủ đề chính trong chương trình nghị sự tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra trong hai ngày (20-21/3) tại Buenos Aires, Argentina (Ác-hen-ti-na).
Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, phần lớn các đại biểu tham gia hội nghị đều đặc biệt quan tâm về tình hình leo thang tiếp theo sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, đồng thời nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tiếp tục đưa ra những cảnh báo chống lại xu hướng bảo hộ.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng khẳng định đây là một thành công của hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G20 lần này.
Ông cũng cho biết các cuộc đàm phán về tương lai chính sách thương mại đang diễn ra tại Washington giữa Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier và các quan chức Mỹ trong đó có Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wibur Ross và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer cũng cho thấy được những dấu hiệu lạc quan.
Trước đó Bộ trưởng Altmaier đã tuyên bố một thỏa hiệp có thể đạt được ngay trong tuần này giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ về quyết định áp thuế của Tổng thống Donald Trump đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu.
Về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Hội đồng các chuyên gia kinh tế Đức đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Đức năm 2018 lên 2,3%, song dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2019 với mức tăng 1,8%.
Nhóm chuyên gia này cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và những kế hoạch tăng chi của Chính phủ Đức dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Angela Merkel trong nhiệm kỳ thứ tư đang thúc đẩy nền kinh tế đầu tàu châu Âu tăng trưởng nhanh hơn.
Khánh Ly – Anh Đức/TTXVN
© 2024 | Thời báo ĐỨC