Theo một cuộc khảo sát do Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) thực hiện, các doanh nghiệp ở Đức đang trở nên thiếu tự tin hơn về tương lai kinh tế của mình.
Trong số hơn 24.000 công ty tham gia cuộc khảo sát, 52% dự đoán hoạt động kinh doanh của họ sẽ xấu đi trong 12 tháng tới, chỉ 8% dự đoán về sự cải thiện, một bài đăng trên DIHK ngày 02/11 cho biết.
“Đây là con số tồi tệ nhất mà chúng tôi từng ghi nhận được kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1985”, Giám đốc điều hành DIHK Martin Wansleben cho biết trong bài đăng. “Ngay cả trong thời kỳ Corona và cuộc khủng hoảng thị trường tài chính, tỷ lệ những người lạc quan là hơn 10%”.
Cuộc khảo sát cho thấy 82% doanh nghiệp coi giá năng lượng và hàng hóa là một rủi ro kinh doanh. Cuộc khảo sát chưa bao giờ ghi nhận giá trị rủi ro cao như vậy, ông Wansleben nói.
Ông chỉ ra rằng ngành công nghiệp của Đức đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi sự gia tăng của giá năng lượng. Do đó, các nhà sản xuất hàng hóa trung gian sử dụng nhiều năng lượng đang “cắt giảm sản lượng của họ”, ông nói thêm.
Hơn 1/5 doanh nghiệp trong ngành cao su và nhựa cũng như hơn 1/4 công ty trong lĩnh vực hóa chất đã buộc phải cắt giảm sản lượng.
Trong khi 16% các công ty trong ngành ô tô cũng đang giảm sản lượng, 17% các công ty ô tô đang có kế hoạch chuyển hoạt động sang các quốc gia khác do giá năng lượng cao của Đức.
“Giờ đây, điều quan trọng là các chính trị gia cũng phải thiết lập quy trình cấu trúc cho sự phát triển kinh tế năng động, vì việc Đức [được nhìn nhận] như là một địa điểm [kinh doanh] vẫn còn tồn tại một vấn đề cạnh tranh lớn ngoài cuộc khủng hoảng cấp tính này. Chúng ta sẽ chỉ thành công trên thế giới trong tương lai nếu chúng ta hành động, trước hết và trên hết với tư cách là người luôn nỗ lực làm tốt hơn, chứ không phải là người biết tuốt”, ông Wansleben nói.
Thách thức kinh tế Một nghiên cứu của Deutsche Bank ước tính sản lượng ở Đức sẽ giảm 2,5% vào năm 2022 và sau đó là 5% vào năm 2023 do chi phí năng lượng tăng. Nghiên cứu gọi khoảng thời gian hiện tại có khả năng là “điểm khởi đầu cho quá trình tăng tốc phi công nghiệp hóa” ở Đức.
Mặc dù các công ty lớn của Đức có thể chuyển hoạt động sang nơi khác, nhưng mọi thứ được cho là sẽ khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn là trụ cột của ngành công nghiệp nước này.
“Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức… thích ứng với một thế giới năng lượng mới sẽ là một thách thức lớn mà một số công ty sẽ thất bại khi đối mặt”, nghiên cứu cho biết.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) S&P Global / BME Germany đã giảm xuống 45,1 trong tháng 10 từ mức 47,8 của tháng trước, đây là mức thấp nhất kể từ khi xuất hiện làn sóng COVID-19 đầu tiên vào đầu năm 2020.
Khảo sát PMI cho thấy rằng sự suy thoái của lĩnh vực sản xuất Đức đang tăng tốc vào đầu quý IV. Sự sụt giảm nhanh hơn về cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã được ghi nhận.
Theo Naveen Athrappully – The Epoch Times
© 2024 | Thời báo ĐỨC