Gary Lineker từng nói: "Trận đấu có 90 phút và chiến thắng cuối cùng thuộc đề người Đức". Suy ra từ phát ngôn của cựu danh thủ người Anh, muốn đánh bại người Đức cần không thua trong 90 phút và một trong những khả năng dễ xảy ra nhất là kéo trận đấu đến loạt đá luân lưu.
Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm, đặc biệt tại đấu trường World Cup. Thi đá luân lưu với người Đức, đừng nghĩ đó là đấu súng may rủi. Đơn giản, một khi đã đấu súng, phần thắng nghiêng hẳn về Die Mannschaft. Lý do chính là nhờ phẩm chất dân tộc. Ở khoảng cách 11m và đối diện là khung thành 7m ấy, gần như mọi kỹ năng cần thiết để chơi bóng đều bị loại trừ. Quan trọng nhất là sự lạnh lùng và không ai lạnh lùng hơn người Đức.
Bên cạnh đó, người Đức nổi tiếng về khả năng lên kế hoạch, làm việc tỉ mỉ và chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất để tiệm cận sự hoàn hảo. Thế nên, họ “số hóa” mọi chi tiết cần thiết trong đá 11m để hạn chế tối đa yếu tố may rủi. Ở vị trí thủ môn, ĐT Đức tự hào sở hữu những thủ môn bắt 11m hiệu quả bậc nhất, từ Sepp Meier, Oliver Kahn cho đến Manuel Neuer.
Họ sẽ nghiên cứu rất kỹ về đối phương, chẳng hạn cầu thủ nào bên phía đối phương có xác suất cao được đá luân lưu rồi cầu thủ đó thường sút về hướng nào, có thuộc dạng tự tin hay không… Đối với các cầu thủ lĩnh trọng trách sút luân lưu, các góc sút cũng được tính toán chính xác sao cho tỷ lệ sút hỏng cũng như nguy cơ bị thủ môn đối phương đoán đúng hướng thấp nhất.
Đá luân lưu với người Đức chẳng khác gì tự sát
Lý do là vậy, về kết quả, thống kê cho thấy xuyên suốt lịch sử World Cup, Die Mannschaft chưa từng thua trong loạt đá luân lưu. 4 lần phân định thắng thua bằng đấu súng là 4 lần người Đức giành chiến thắng. Không một đội tuyển nào khác có thành tích đá luân lưu tốt như vậy.
Argentina cũng 4 lần chiến thắng nhờ đá luân lưu tại World Cup nhưng ngoài ra còn có 1 lần thua. Và thất bại duy nhất của Albiceleste chính là trước Die Mannschaft. Bởi vậy, tại World Cup 2018 trước mắt, nếu bước vào loạt đá luân lưu với người Đức, có lẽ các đội nên chuẩn bị sẵn tâm lý xách va li về nước.
Chi tiết hơn, các tuyển thủ Đức từng 18 lần đứng lên chấm trắng cách khung gỗ 11m trong các loạt đá luân lưu và chỉ 1 lần duy nhất không thể đưa bóng vào lưới. Tác giả pha đá hỏng lịch sử ấy là Stielike trong trận bán kết World Cup 1982 với ĐT Pháp. Điều đó có nghĩa, người Đức thành công ở cả 15 lần đá luân lưu cân não gần nhất. Thế nên, đá gì thì đá, đừng đá luân lưu với người Đức.
Nguồn: Bongdaplus.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC