Công ty 400 tuổi của Đức chật vật tồn tại vì thiếu khí đốt

Trong 400 năm, Heinz-Glas đã đi qua nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng cú sốc năng lượng hiện tại đang đe dọa trực tiếp khả năng sinh tồn của họ.

Heinz-Glas thành lập năm 1622, là một trong những hãng sản xuất chai thủy tinh lớn nhất thế giới. Họ đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới và cả cú sốc giá dầu thập niên 70. Tuy nhiên, công ty giờ đang chứng kiến "tình huống chưa từng có", theo nhận định của Phó giám đốc Murat Agac trên AFP.

"Nếu nguồn cung khí đốt bị ngừng lại, việc sản xuất thủy tinh rất có thể cũng sẽ biến mất khỏi Đức", ông nói. Để làm thủy tinh, cát phải được đun nóng đến 1.600 độ C. Khí đốt là nhiên liệu thường dùng trong quá trình này.

Trước đây, nguồn cung khí đốt cho Đức thông qua đường ống từ Nga giúp Heinz-Glas duy trì chi phí sản xuất ở mức thấp. Hàng năm, họ đạt doanh thu khoảng 300 triệu euro (305 triệu USD). Với giá cả cạnh tranh, xuất khẩu chiếm 80% sản lượng của công ty này.

Tuy nhiên, mô hình này đang lung lay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga đã cắt 80% nguồn cung khí đốt cho Đức, để trả đũa việc phương Tây ủng hộ Ukraine và trừng phạt Nga.

1 Cong Ty 400 Tuoi Cua Duc Chat Vat Ton Tai Vi Thieu Khi Dot

Berlin sau đó ráo riết tìm nguồn cung thay thế. Hậu quả là giá nhiên liệu tại đây tăng vọt. Với Heinz-Glas, chi phí sản xuất đã tăng "10-20 lần" so với năm 2019.

Không riêng Heinz-Glas, phần lớn ngành công nghiệp Đức đang gặp khó vì thiếu khí đốt. Nhiều công ty đang vạch ra kế hoạch khẩn cấp khi chính phủ Đức cảnh báo Nga có thể ngừng cấp khí đốt hoàn toàn cho nước này.

Khi mùa đông đang đến gần, cuộc khủng hoảng này càng trầm trọng. Đại gia hóa chất BASF đang tìm cách thay thế khí đốt bằng dầu mazut cho nhà máy lớn thứ hai của họ tại Đức. Henkel, với các sản phẩm kết dính và chống thấm, thì cân nhắc việc cho nhân viên làm việc tại nhà.

Tuy nhiên, hệ quả từ việc Nga ngừng cung cấp khí đốt có thể khó khắc phục với nhiều doanh nghiệp. Tại nhà máy của Heinz-Glas ở Kleintettau, khoảng 70 tấn chai thủy tinh nhỏ được sản xuất mỗi ngày. Mọi công đoạn sản xuất đều cần nhiệt độ. Nhà máy thứ hai của họ thì đặt tại làng Piesau.

Để giảm rủi ro trong ngắn hạn, Heinz-Glas đã mua tích trữ khí hóa lỏng. Sản phẩm này có thể được vận chuyển bằng xe tải. Tuy nhiên, việc này có thể khiến chi phí năng lượng tăng gấp 3, mà cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Hai nhà máy của họ tại Đức cần "số tấm pin năng lượng mặt trời có diện tích tương đương 3.000 sân bóng đá" mới đủ để hoạt động.

Trong dài hạn, việc thay thế hệ thống bằng khí đốt với hệ thống bằng điện sẽ tiêu tốn 50 triệu euro, Agac cho biết. Công ty không thể chi trả số tiền này.

Kể cả với nhà máy ở Kleintettau – nơi hoạt động nấu thủy tinh được làm bằng điện, khoảng 40% quy trình vẫn cần đến khí đốt. "Chúng tôi cần chính phủ hỗ trợ", Agac cho biết, cảnh báo công ty này có thể phải chuyển sản xuất đi nơi khác, như Ấn Độ hay Trung Quốc – nơi họ đã có sẵn nhà máy.

Với 1.500 công nhân của Heinz-Glas tại Đức, tương lai hiện khá u ám. "Ở tuổi của tôi, vấn đề này không còn quá quan trọng nữa. Nhưng những người trẻ hơn thì sợ mất việc", bà Michaela Trebes (61 tuổi) - nhân viên kiểm tra chất lượng cho biết.

Dù vậy, lãnh đạo công ty vẫn hy vọng có thể vượt qua giai đoạn này. Kể từ năm 1662, "chúng tôi đã trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng. Chỉ riêng trong thế kỷ 20 đã có Đại chiến I, Đại chiến II và khủng hoảng dầu mỏ thập niên 70. Chúng tôi đã nhiều lần rơi vào nguy hiểm, nhưng đều tồn tại. Vì thế, có thể chúng tôi cũng sẽ vượt qua lần này", Agac kết luận.

Hà Thu (theo AFP)

Nguồn: VnExpress


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày