Châu Âu mạnh tay với trốn thuế

Theo Bloomberg, nhà chức trách tại các nước Hà Lan, Anh, Đức, Pháp và Australia đã khởi động các cuộc điều tra nhắm vào ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ là Credit Suisse, do có cáo buộc giúp khách hàng trốn thuế thông qua hàng chục ngàn tài khoản khác nhau.

Mở điều tra nội bộ

Châu Âu mạnh tay với trốn thuế - 0

Ngân hàng Credit Suisse ở TP Zürich, Thụy Sĩ

Credit Suisse xác nhận, giới chức của 5 quốc gia trên đã tới trụ sở của ngân hàng này ở Amsterdam (Hà Lan), London (Anh) và Paris (Pháp) để tìm hiểu thông tin về các vấn đề liên quan tới thuế của khách hàng.

Cơ quan chống tội phạm tài chính của Hà Lan đã bắt giữ 2 đối tượng có liên quan đến vụ việc tại La Haye và thị trấn Hoofddorp, thu giữ nhiều tang vật tình nghi như vàng, trang sức và thông tin tài khoản ngân hàng.

Bước đầu điều tra cho thấy, 2 đối tượng được cho là giấu giếm hàng triệu EUR tiền thuế bằng cách chuyển vào tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ.

Trong khi đó, các công tố viên Pháp cáo buộc Credit Suisse đã tạo điều kiện để hàng ngàn khách hàng Pháp mở tài khoản tại Thụy Sĩ và không khai thuế với cơ quan chức năng. Giới chức Anh tuyên bố, họ đang mở một cuộc điều tra về trốn thuế và rửa tiền nhằm vào một số nhân viên cấp cao do một tổ chức tài chính toàn cầu thực hiện.

Đơn vị phụ trách tội phạm tài chính của Australia cũng cho biết đã nhận dạng được 346 công dân có liên quan đến hành vi trốn thuế ở một ngân hàng Thụy Sĩ. Tuyên bố sau khi vụ điều tra mở ra, Credit Suisse cam kết hợp tác với các nhà chức trách.

Theo Reuters, một cuộc điều tra trong nội bộ ngân hàng cũng đã được mở ra nhằm phát hiện những nhân viên có liên quan đến vụ việc trên. Trong động thái nhằm trấn an khách hàng, Credit Suisse cam kết sẽ nhanh chóng tìm ra thủ phạm nếu phát hiện có hành vi gian lận tại ngân hàng.

Các cuộc điều tra được mở ra sau khi Credit Suisse gia nhập hệ thống trao đổi thông tin tự động với các địa điểm ở châu Âu. Khoảng 100 quốc gia, bao gồm cả Thụy Sĩ, chấp nhận chia sẻ thông tin từ dữ liệu ngân hàng với các nhà chức trách phụ trách về thuế, nhằm tránh tình trạng trốn thuế và rửa tiền tại các ngân hàng tư nhân.

Giới chức Hà Lan cho biết, có khoảng 55.000 công dân nước này có tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ. Cho đến nay, các nhà chức trách đã nhận được thông tin về 3.800 công dân Hà Lan, trong số đó có hàng chục đối tượng nằm trong diện tình nghi.

Siết chặt hành vi trốn thuế

Các nước châu Âu đã mạnh tay siết chặt các hành vi gian lận, trốn thuế sau khi vụ rò rỉ Hồ sơ Panama được phơi bày vào năm ngoái. Anh cùng với Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia đã đưa ra một số quy định mới về minh bạch thuế để đối phó với vấn nạn trốn thuế.

Theo đó, các thông tin về chủ nhân thực sự của các công ty “vỏ bọc”, hay còn gọi là các công ty “lá chắn” và các quỹ tín thác hải ngoại, sẽ được chia sẻ một cách tự động.

Theo kết quả điều tra ở châu Âu, nhiều tập đoàn đa quốc gia và các cá nhân đã sử dụng các thủ thuật tinh vi như chuyển thu nhập và tài sản sang các chi nhánh ở những nước có quy định thuế suất thấp.

Ngoài ra, nhiều công ty đa quốc gia của châu Âu cũng đã tìm mọi cách lách luật để tránh phải đóng thuế tại quốc gia đang tiến hành hoạt động kinh doanh. Liên minh châu Âu (EU) ước tính, hàng năm khu vực này thất thu khoảng 80 tỷ USD bởi các hành vi trốn thuế.

Trong vụ Hồ sơ Panama, Credit Suisse cũng bị cáo buộc tiếp tay cho hành vi rửa tiền và trốn thuế, song ngân hàng này đã phủ nhận. Đây không phải là lần đầu tiên Credit Suisse trở thành đối tượng chính trong một cuộc điều tra về trốn thuế.

Vào năm 2014, Tòa án Liên bang Mỹ tuyên phạt Credit Suisse 2,5 tỷ USD vì đã giúp đỡ các công dân Mỹ trốn thuế. Ngân hàng này đã thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý chi trả khoản tiền trên để giải quyết vụ việc.

 

Nguồn: THANH HẰNG, SGGP


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày