Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo tình hình dịch COVID-19 ở châu Âu sẽ rất cam go vào mùa Thu và mùa Đông này với sự bùng phát mạnh của các nhánh phụ BA.2 và BA.5 của biến thể Omicron, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện tại đây và "lục địa già" được cảnh báo sẽ trở thành "điểm nóng".
Thế nhưng, trên thực tế, hàng ngày châu Âu vẫn ghi nhận vài chục nghìn ca mắc mới và hàng trăm ca tử vong do COVID-19. Khi mùa Thu và mùa Đông tới, con số này được dự báo sẽ tăng gấp nhiều lần. Điều đáng lo ngại là tình trạng "dịch chồng dịch" với sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ khi châu Âu đang trở thành điểm nóng nhất của thế giới.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Cho tới đầu tháng 8 này, các nước châu Âu đã loại bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, thậm chí nhiều nước còn bỏ cả quy định cách ly đối với các F0 và chỉ cần đeo khẩu trang là đủ (Áo, Đan Mạch, Na Uy, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Ba Lan, Pháp...).
Chẳng hạn như ở Áo, các F0 đeo khẩu trang được tự do đi lại, thậm chí có thể bỏ khẩu trang nếu giữ được khoảng cách tối thiểu 2 mét. Đức nằm trong một số ít nước vẫn thận trọng, như vẫn quy định đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng và các F0 vẫn phải cách ly 5 ngày. Tương tự, Bỉ, Italy hay Hà Lan vẫn giữ quy định cách ly từ 7-10 ngày và việc đeo khẩu trang được khuyến khích, song không còn là điều bắt buộc.
Do hầu hết các biện pháp phòng dịch được bãi bỏ, cộng với khả năng lây lan nhanh và mạnh của các nhánh phụ biến thể Omicron, số ca nhiễm mới tại các nước châu Âu vẫn ở mức khá cao, từ vài nghìn tới vài chục nghìn ca tùy theo quy mô dân số mỗi nước. Trong khi đó, việc tiêm chủng dường như đang chững lại ở các nước châu Âu. Không có nhiều nước ở "lục địa già" nằm trong tốp đầu quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, nhất là với mũi tăng cường. Theo Cục Thống kê liên bang Đức, tính đến ngày 5/8, tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 liều cơ bản (2 mũi) ở Đức là 76,2% và mũi tăng cường là 70%. Tính trung bình, tỷ lệ tiêm đầy đủ 2 mũi trong Liên minh châu Âu (EU) đạt 73,5% và mũi tăng cường đạt 55,4%.
Trong bối cảnh các ca lây nhiễm gia tăng nhanh chóng, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cảnh báo tình hình sẽ rất cam go vào mùa Thu và mùa Đông này với sự bùng phát mạnh của các nhánh phụ BA.2 và BA.5 của biến thể Omicron. Khi số ca bệnh càng gia tăng thì số người phải nhập viện cũng sẽ tăng lên, gây nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế các nước. Đặc biệt, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn khi năm học mới sắp bắt đầu, nhà nhà trở về sau kỳ nghỉ Hè ở nước ngoài và khi thời tiết trở lạnh, mọi người thích tụ tập trong nhà (không gian kín) nhiều hơn - yếu tố sẽ càng tạo thuận lợi cho sự lây lan của dịch bệnh. Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge kêu gọi chính phủ và cơ quan y tế các nước khu vực phải nhanh chóng hành động để chuẩn bị cho những tháng sắp tới, bao gồm cả việc giám sát chặt chẽ đại dịch cũng như tiến hành tiêm nhắc lại mũi 2 cho những người bị suy giảm miễn dịch và dễ bị tổn thương khác. Ông Kluge kêu gọi các nước châu Âu cần tăng tốc độ tiêm nhắc lại thay vì chờ đợi các loại vaccine đặc hiệu, cũng như cần phải áp đặt trở lại việc việc đeo khẩu trang.
Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach - người hiện đang phải cách ly vì mắc COVID-19, cũng kêu gọi cần nhanh chóng đưa ra khuyến nghị tiêm nhắc lại mũi thứ hai cho cả những người trẻ tuổi. Cũng giống như hai năm trước, khi chuẩn bị bắt đầu năm học mới, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại đang làm dấy lên nhiều lo ngại do tỷ lệ tiêm chủng ở lứa tuổi học sinh chưa cao, trong khi hầu hết các biện pháp phòng chống dịch đã được dỡ bỏ. Nếu dịch bùng phát, nguy cơ thiếu giáo viên do mắc bệnh không thể tới trường là điều khó tránh khỏi.
Ông Andreas Bartsch, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên bang Nordrhein-Westfalen - bang đầu tiên đưa khoảng 2,5 triệu học sinh trở lại trường từ ngày 10/8 sau kỳ nghỉ Hè, cho rằng các bang ở Đức hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra những khuyến nghị chống dịch thuần túy. Ông cũng đồng thời kêu gọi đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng cho học sinh. Tính đến ngày 6/8, trên cả nước Đức mới chỉ có 69,3% số thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi được tiêm đủ liều cơ bản 2 mũi, trong khi tỷ lệ này ở số trẻ từ 5 đến 11 tuổi chỉ đạt hơn 20%. Trước đó, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp liên bang Đức đã cùng xây dựng kịch bản chống dịch cho những tháng mùa Thu và mùa Đông tới, trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang. Tuy nhiên, các biện pháp này hoàn toàn loại trừ khả năng lớp học phải đóng cửa do COVID-19. Trường hợp lớp có nguy cơ phải đóng cửa, các trường mới bắt buộc phải đeo khẩu trang và điều này cũng sẽ chỉ áp dụng từ lớp 5 trở lên. Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên Đức, Heinz-Peter Meidinger chỉ trích rằng, ngay cả trong trường hợp sắp xảy ra tình trạng thiếu giáo viên và trường học có nguy cơ đóng cửa, các trường tiểu học cũng không thể áp đặt quy định đeo khẩu trang theo luật định.
Tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ tại Lile, Pháp, ngày 10/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng với COVID-19, châu Âu cũng đang đối phó với tình trạng "dịch chồng dịch" do bệnh đầu mùa khỉ.
Ngày 23/7, WHO đã ban bố "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" với bệnh đậu mùa khỉ, trong đó nhận định mối đe dọa của dịch bệnh ở mức cao đối với châu Âu. Trong số hơn 18.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ngoài châu Phi từ tháng 5/2022 tới nay thì có tới 70% số ca được phát hiện ở châu Âu. Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides cuối tháng trước đã gửi thư hỏa tốc tới bộ trưởng y tế các nước thành viên, cảnh báo châu Âu đang là điểm nóng của dịch bệnh, đồng thời kêu gọi các nước hành động quyết liệt hơn nhằm chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Hiện số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đang tăng đều, khoảng 1.000 ca mắc mới mỗi ngày trên toàn thế giới.
Mối lo ngại ở châu Âu càng gia tăng khi thông tin về những ca tử vong đầu tiên ngoài châu Phi do đậu mùa khỉ được thông báo cuối tháng 7 vừa qua, đó là 2 trường hợp mắc bệnh ở Tây Ban Nha. Mặc dù đa số bệnh nhân là ở nhóm nam giới có quan hệ đồng tính, song theo Viện Robert Koch (RKI) của Đức, bất kỳ ai tiếp xúc thân thể gần với người mắc bệnh đều có thể bị nhiễm. RKI nêu rõ sự lây lan từ người sang người chỉ có thể xảy ra khi tiếp xúc gần, nhất là tiếp xúc với chất dịch cơ thể hay tổn thương trên da (như vết phồng rộp, mụn nước) của những người bị bệnh. Lây lan cũng có thể thông qua việc ôm ấp, mátxa hoặc lây qua đồ vật như khăn tắm, khăn trải giường, quần áo mà người bệnh đã sử dụng.
Những lo ngại liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng khi danh sách bệnh nhân lây nhiễm ngày một dài hơn. Nguy hiểm hơn là độ tuổi lây nhiễm có biểu hiện "trẻ hóa". Theo thông báo của RKI ngày 9/8, một bé gái mới 4 tuổi ở Pforzheim, bang Baden-Württemberg đã nhiễm bệnh do sống trong gia đình có hai người trưởng thành mắc bệnh. Trước đó, Đức cũng thông báo ghi nhận hai nam thiếu niên 15 và 17 tuổi bị mắc bệnh.
Theo giới phân tích, nhiều khả năng virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể đã thích nghi với con người, điều giúp chúng dễ lây lan hơn từ người sang người. Mặc dù trấn an rằng virus gây bệnh chưa lây lan rộng và tình hình bệnh dịch vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song giới chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người ngay từ lúc này nên biết tự bảo vệ mình, giữ khoảng cách cần thiết và những người thuộc nhóm nguy cơ (nhất là người đồng tính) nên đi tiêm phòng. Nhà dịch tễ học người Mỹ Eric Feigl-Ding mới đây thậm chí cảnh báo nguy cơ lây lan mạnh của dịch bệnh do mầm bệnh sẽ tồn tại lâu trong khí quyển và vì vậy cũng có thể lây truyền bệnh qua không khí.
Như vậy, châu Âu nói riêng cũng như thế giới nói chung đang cùng lúc phải đối mặt với hai loại dịch bệnh thuộc cấp độ cảnh báo cao nhất của WHO là đại dịch COVID-19 (ban bố từ ngày 11/3/2020) và bệnh đậu mùa khỉ. Khi các chủng virus luôn nhanh chóng thích nghi và biến đổi thành những biến thể mới, việc cảnh giác ứng phó và tiêm vaccine phòng bệnh càng trở nên cấp thiết.
Để châu Âu có thể vượt qua dịch bệnh trong những tháng ngày lạnh giá sắp tới, điều quan trọng là người dân cần biết tự bảo vệ mình, nghiêm chỉnh tuân thủ các khuyến nghị và quy định của cơ quan chức năng, đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức phòng chống dịch.
Nguồn: baotintuc
© 2024 | Thời báo ĐỨC