Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ba Lan Piotr Wawrzyk từ chức tuần trước liên quan đến vụ bê bối thị thực Schengen - Ảnh: Business Insider
Ngày 20-9, Ủy ban châu Âu cho Ba Lan 2 tuần để làm rõ vụ bê bối "rất đáng lo ngại" này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã gọi cho người đồng cấp Ba Lan Mariusz Kaminski và triệu tập đại sứ Ba Lan tại Berlin liên quan đến vấn đề này. Theo Hãng tin AFP, Berlin yêu cầu Warsaw "làm rõ nhanh chóng và đầy đủ" về những cáo buộc "nghiêm trọng" này.
Trước đó, truyền thông Ba Lan phanh phui hệ thống nhận hối lộ trong các lãnh sự và công ty Ba Lan ở nước ngoài để cấp thị thực cho nhiều người ở Trung Đông và châu Phi. Theo truyền thông nước này, Bộ Ngoại giao Ba Lan cũng có liên quan đến bê bối trên. Đảng đối lập Nền tảng dân sự gọi đây là "vụ bê bối lớn nhất ở Ba Lan trong thế kỷ 21".
Vụ việc bùng nổ ngay trước cuộc bầu cử vào ngày 15-10 tới. Cơ quan mật vụ Ba Lan tuần trước cho biết 7 người đã bị bắt và cơ quan công tố phụ trách điều tra vụ việc sau đó xác nhận 3 người trong số này đang bị giam giữ.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Piotr Wawrzyk đã từ chức vì vụ bê bối vào tuần trước, dù lý do chính thức cho sự ra đi của ông là "thiếu hợp tác đầy đủ".
Lên tiếng về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski cho rằng phản ứng của châu Âu chỉ dựa trên những lời phóng đại "vô lý" của phe đối lập.
"Thật không may, báo chí Đức đã bám theo câu chuyện hoàn toàn vô lý của phe đối lập về quy mô của những gì chúng tôi đang giải quyết. Hôm qua tôi đã nói chuyện với Bộ trưởng Nội vụ Đức… Tôi đã giải thích quy mô thực tế", ông Kaminski nói với Đài phát thanh Zet của Ba Lan.
Các cơ quan chức năng của Warsaw cho biết vụ bê bối này liên quan đến khoảng vài trăm thị thực lao động của Ba Lan, trong khi phe đối lập cho rằng con số thực tế có thể vào khoảng 250.000.
Bộ Nội vụ Đức nói rằng Berlin đang yêu cầu Warsaw cung cấp thông tin về số lượng các thị thực được cấp, thời gian diễn ra vụ bê bối và quốc tịch của người nhận.
Trước khi vụ việc bị phanh phui, cảnh sát Đức cũng đã tăng cường kiểm tra biên giới Ba Lan do làn sóng người di cư ngày càng tăng vào khu vực Schengen, bao gồm hơn 20 quốc gia châu Âu.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC