Bức tranh được cho là tác phẩm của danh họa Albrecht Durer - Ảnh: NYT
Tác phẩm vừa được một hội đồng chuyên gia tại bảo tàng Anh ở London xác định là bức vẽ chưa được khám phá của Albrecht Durer, họa sĩ nổi tiếng người Đức sinh năm 1471.
Giá trị của bức họa có thể lên tới tám số 0 tính theo USD, nhưng được phát hiện một cách tình cờ bởi một người đàn ông vô danh. Sau khi mua bức tranh năm 2016, người này cất vào kho và có điều gì đó thật bí ẩn ở bức vẽ nhưng ông không tài nào lý giải được.
Một người bạn của ông này là chủ một cửa hàng sách hiếm tại Holliston (bang Massachusetts, Mỹ). Năm 2019, Clifford Schorer, một doanh nhân và nhà buôn nghệ thuật ghé qua cửa hàng để mua một món quà.
Hai người bắt đầu nói về nghệ thuật và ông chủ hiệu sách buột miệng nói rằng bạn của mình đang có một bức họa của Albrecht Durer vì có chữ viết tắt A.D ở cuối tranh.
"Không, tôi nghĩ ông chỉ có một bản in khắc thì đúng hơn", nhà sưu tầm Schorer quả quyết. Bản in khắc thường nhiều nên không hiếm và có giá trị kém hơn các bản vẽ gốc. Các bản vẽ của Albrecht Durer rất hiếm và Schorer tin rằng tất cả chúng đã được khám phá.
Vài ngày sau cuộc trò chuyện, chủ nhân của bức họa gởi mail cho Schorer và đính kèm ảnh chụp, thứ khiến ông lái xe thẳng đến "ngôi nhà khiêm tốn" của người đàn ông kia.
"Đó là một kiệt tác hoặc một sự giả mạo lớn nhất mà tôi từng thấy", Schorer, người chuyên phục hồi các tác phẩm nghệ thuật bị thất lạc, nói với báo New York Times.
Bị thôi thúc phải tìm ra sự thật, Schorer đặt cọc 100.000 USD cho người chủ với lời hứa sẽ tìm cách bán bức họa. Nếu bức tranh là giả, Schorer sẽ không lấy lại được tiền cọc.
Ba ngày sau đó, Schorer bay đến Anh và giao bức họa cho Jane McAusland, một chuyên gia về các bức vẽ trên giấy, cũng là một nhà sưu tầm và tư vấn cho các bảo tàng.
Chân dung tự họa của Albrecht Durer ở tuổi 28 - Ảnh chụp màn hình
Ba tuần trôi qua, bà McAusland thông báo Schorer một tin buồn: bức vẽ đã được nhuộm bằng trà hoặc cà phê để làm cho nó trông giống như một món đồ cổ. Không tin đây là đồ giả, Schorer yêu cầu xem lại một lần nữa.
24 giờ tiếp theo, McAusland gởi lại hình chụp bản soi bức họa. "Nó có hình chìm đinh ba, thứ chỉ có trong các bản vẽ của Albrecht Durer. Tâm trí của tôi gần như bị thổi tung lúc đó", ông Schorer nhớ lại.
Các bức tranh của Durer được vẽ trên một loại giấy đặc biệt do Jacob Fugger làm ra và chỉ có xưởng vẽ của danh họa có được loại giấy này.
Trong vòng 2 năm sau đó, Schorer cầm theo bức vẽ đến 14 thành phố trên khắp thế giới để xác thực có phải là tác phẩm của Durer. Phần lớn đều tin rằng đây là bức vẽ thật và nguyên bản của danh họa.
Fritz Koreny, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Lịch sử nghệ thuật tại Đại học Vienna, không tin đây là nét vẽ của Durer, mà thực chất là của người học việc của ông có tên Hans Baldung.
"Tất cả những chi tiết quan trọng đều nói đó là bức vẽ của Baldung", ông Koreny tuyên bố nhưng từ chối cho biết chi tiết vì sẽ công bố những phát hiện sau.
Với Schorer, ông vẫn luôn tin bức họa là của Durer. Cảm giác lần phát hiện thật đặc biệt, như ông chia sẻ là giống như đi khắp thế giới để tìm đồ cổ, cuối cùng thứ quý giá nhất như đang ở sau sân nhà mình.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC