Bất đồng Đức-Mỹ qua chuyến thăm Nhà Trắng của bà Merkel

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel nỗ lực nhưng không thể giấu sự bất đồng sâu sắc qua ngôn ngữ cơ thể, trong chuyến thăm Nhà Trắng của bà Merkel ngày 27.4.

Bất đồng Đức-Mỹ qua chuyến thăm Nhà Trắng của bà Merkel - 0

​Bà Merkel khá căng thẳng khi ông Trump phát biểu - Ảnh: AP

Mối quan hệ giữa bà Merkel, 63 tuổi, với ông Trump, 71 tuổi, đã không tốt và hai nhà lãnh đạo đã không nói chuyện với nhau từ 5 tháng qua. Trong lần gặp trước tại Phòng Bầu Dục hồi tháng 3.2017, ông Trump và bà Merkel không bắt tay nhau.

Ở lần gặp thứ hai ngày 27.4, ông Trump đứng ở khu Cánh Tây Nhà Trắng để đón bà Merkel và hai nhà lãnh đạo Mỹ-Đức bắt tay và hôn phớt má nhau.

"Mỹ đuổi người cũng gần nhanh như người ta đuổi người ở Đức"

Tại cuộc họp báo chung, hai vị lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan hệ thân cận Mỹ-Đức, nhưng bà Merkel tỏ vẻ không vui, khi ông Trump nói dông dài khoe chuyện ông mặc cả giúp giảm giá thành xây trụ sở Sứ quán Mỹ ở Jerusalem: ông đã “ký nửa chừng” lệnh xây mới, nhưng ông ngưng sau chữ Donald vì trông thấy kinh phí 1 tỉ USD. Tiếp đó, ông nói chuyện với Đại sứ Mỹ và chọn phương án mở Sứ quán trên một khu vực của tòa nhà, và chỉ tốn 150.000 USD.

Bà Merkel hầu như phớt lờ những lời khoe của Tổng thống Mỹ, nhìn xuống cử tọa và quanh phòng mà không cười, chỉ một hai lần nhìn qua ông Trump, người liên tục quay về phía bà để tìm sự ủng hộ.

Đức là một trong những quốc gia kêu gọi Mỹ không công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Sứ quán Mỹ tại đây sẽ được khánh thành vào tháng 5 tới và ông Trump nói có thể ông sẽ đi dự lễ khánh thành: “Nhiều đời tổng thống đã hứa xây sứ quán nhưng họ chưa bao giờ đủ can đảm thực hiện. Tôi làm được hết”.

Bà Merkel cũng tỏ vẻ khó chịu, khi Tổng thống nói chuyện ông Ronny Jackson rút khỏi việc được giới thiệu làm Bộ trưởng Cựu binh Mỹ (VA). Bà Merkel phải trợn mắt rồi cố gắng cười, khi nghe máy dịch cho biết vị Tổng thống nói về cuộc cải tổ VA: “Khi ai đó đối xử tệ với các cựu binh, chúng tôi đuổi việc họ rất nhanh, gần nhanh như khi họ đuổi người ở Đức”.

Tiếp đó ông Trump phàn nàn việc Mỹ bị thâm thủng thương mại 151 tỉ USD với Liên hiệp châu Âu (EU) trong khi vào ngày 1.5 tới, việc Mỹ miễn thuế-nhôm nhập khẩu cho EU sẽ hết hiệu lực, chưa rõ Mỹ sẽ gia hạn hay không.

Ông Trump từng dọa áp thuế đánh lên nhôm và thép của khối EU, trừ phi khối này có một đề xuất làm Mỹ thỏa mãn trước ngày 1.5 tới. Nếu ông Trump sớm áp thuế lên thép-nhôm, sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của các nước châu Âu.

Bà Merkel nói chưa có sự tiến bộ nào về khả năng gia hạn miễn thuế và chủ nhân Nhà Trắng có quyền quyết định. Bà còn cho biết bà có thể thương lượng một thỏa thuận thương mại song phương giữa EU với EU và nói Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không thể đạt đến những thỏa thuận đa phương.

Trong khi đó, lãnh đạo Mỹ muốn một quan hệ thương mại “ngang bằng” với Đức cùng các nước châu Âu: “Chúng tôi cần một mối quan hệ hỗ tương nhưng không có được. Chúng tôi đang xúc tiến, muốn quan hệ này công bằng hơn”.

Nhưng vị Tổng thống Mỹ, người chủ trương bảo hộ thương mại với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, nói ông không trách bà Merkel, EU về sự mất cân bằng: “Tôi quy trách nhiệm cho vị tiền nhiệm của tôi đã cho phép việc này xảy ra”, ám chỉ cựu Tổng thống Barack Obama.

Ông Trump cũng nhắc lại lời chỉ trích khối liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu đã không thực hiện cam kết nỗ lực đạt chỉ tiêu của NATO là chi 2% GDP mỗi nước cho mảng quốc phòng, kèm lời bắn tiếng Mỹ sẽ không bảo vệ nước nào không đạt chỉ tiêu này: “NATO thì tuyệt nhưng giúp châu Âu nhiều hơn giúp chúng tôi, và tại sao chúng tôi phải đóng góp lớn vào chi phí hoạt động?”.

Gần một năm trước, ông Trump từng viết Twitter, dọa sẽ áp thuế mạnh đối với Đức, vì điều ông gọi là “thâm thủng thương mại khổng lồ”, cũng như việc Đức không đóng góp nhiều vào kinh phí hoạt động của NATO. Bà Merkel nói ngân sách mới nhất của Đức sẽ chi 1,3% GDP cho mảng quốc phòng.

Mỹ mà rút khỏi JCPOA thì nhiều công ty Đức bị trừng phạt vì làm ăn với Iran

Theo Reuters, không khí chuyến thăm làm việc của bà khác với “quan hệ anh em” giữa hai vị Tổng thống Mỹ-Pháp: vợ chồng ông Emmanuel Macron vừa có chuyến thăm chính thức 3 ngày và được đón tiếp trọng thị ở Nhà Trắng.

Ngày 26.4, trước khi về nước, Tổng thống Macron nói với các nhà báo Mỹ: có lẽ ông đã không thể thuyết phục Tổng thống Trump không hủy Thỏa thuận hạt nhân với Iran (JCPOA): “Tôi không biết Tổng thống của quý vị sẽ quyết định thế nào. Quan điểm của tôi là ông ấy sẽ tự quyết định hủy JCPOA, vì những lý do riêng của Mỹ”.

JCPOA buộc Iran từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân, đổi lại là được Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế trị giá hàng tỉ USD. Thỏa thuận này có tên chính thức Hành động chung toàn diện được Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, Iran, Nga, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp ký năm 2015, còn được gọi là Thỏa thuận G5+1.

Đến lúc ông Trump làm chủ nhân Nhà Trắng thì ông Trump đã gọi là “một thỏa thuận tồi tệ” và dọa sẽ hủy bỏ vì thỏa thuận có nhiều sơ hở, không giải quyết rốt ráo hoạt động tên lửa của Iran, và Iran ủng hộ các tổ chức chính trị nước ngoài, như lực lượng vũ trang Hezbollah được Iran cung cấp vũ khí và huấn luyện, đang chiến đấu giúp chính phủ Syria trong cuộc nội chiến.

Ngày 12.1, Tổng thống Mỹ đã ra “tối hậu thư” cho Đức và Anh, Pháp (nhóm E3) họ phải đồng ý “chỉnh sửa những sơ hở khủng khiếp” trong JCPOA, nếu không thì ông sẽ từ chối gia hạn sự nới lỏng cấm vận cho Iran. Nếu ông Trump ra lệnh, thì Mỹ sẽ nối lại lệnh trừng phạt Iran từ ngày 12.5 tới.

Nhóm E3 và Nga cùng Trung Quốc đều tuyên bố muốn giữ nguyên JCPOA, nói thỏa thuận này là cách tốt nhất để ngăn chặn Iran không phát triển bom hạt nhân. Tổng thống Macron nói nhóm sắp có một gói đề xuất có thể thuyết phục ông Trump không hủy JCPOA.

JCPOA cũng là chủ đề nói chuyện giữa ông Trump với bà Merkel, người thừa nhận JCPOA chưa hoàn hảo, chưa giải quyết được hết những vấn đề với Iran, nhưng bà nói đó là bước đầu tiên giúp kéo giảm các hoạt động hạt nhân và giám sát chúng tốt hơn. Bà nói ông Trump phải quyết định Mỹ có rút khỏi thỏa thuận hay không.

Ông Trump không cho biết quan điểm riêng, chỉ nói: “Họ sẽ không sản xuất vũ khí hạt nhân. Đó là điều tôi có thể cho quý vị biết, quý vị cứ tin như thế”.

Theo Newsweek, nếu Mỹ quyết rút khỏi JCPOA thì sẽ có những hậu quả nghiêm trọng. Ông Trump sẽ đề nghị Quốc hội Mỹ tái đặt lệnh cấm vận Iran.

Lệnh trừng phạt này cũng sẽ phạt bất kỳ công ty nào làm ăn với Iran, có nghĩa là bất kỳ công ty châu Âu nào mà Đức đứng hàng đầu. Năm 2017, hàng hóa Đức xuất qua Iran đạt tổng cộng 4,2 tỉ USD.

Bích Ngọc (theo Reuters, Newsweek)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày