Tại Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu tại Đức, các chuyên gia nổi tiếng của các hãng truyền thông, tổ chức chính trị và tổ chức phi chính phủ kêu gọi đẩy mạnh những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và sự đa dạng.
Những người tham gia buổi hội thảo, do mạng lưới Gender@International Bonn tổ chức, đã tập trung thảo luận về các thách thức của báo chí về vấn đề chuyển giới trong thời đại "hậu sự thật," ở đó những quyết định chỉ dựa vào cảm tính, đám đông thay cho sự cân nhắc dựa trên nền tảng sự thật.
Các chuyên gia cũng bàn về khả năng hỗ trợ để xây dựng một xã hội hòa bình, công bằng và toàn diện hơn.
Bà Ines Pohl, Tổng Biên tập của Deutsche Welle, nhấn mạnh rằng:
"Những đặc quyền và khả năng tiếp cận đặc biệt của giới truyền thông phải đi kèm với trách nhiệm truyền tải rõ ràng thông điệp 'tất cả mọi người đều bình đẳng.' Thông điệp này phải được truyền đạt liên tục, lặp đi lặp lại."
Bà Carmen Perez, đồng Chủ tịch quốc gia của sáng kiến "Sự phát triển của phụ nữ" (Mỹ), nhấn mạnh rằng "để hỗ trợ vấn đề bình đẳng giới, chúng ta cần sự vào cuộc của cả truyền thông chính thống cũng như mạng xã hội."
Bà cũng nhấn mạnh rằng: "Rất nhiều người tiếp cận thông tin dựa vào các phương thức cũ, vì vậy, chúng ta cần linh hoạt trong cả hai phương tiện này. Với cả hai loại, chúng ta cần ghi lại, xuất bản những bài báo trong thời gian thực. Phương tiện này không thể thay thế cho phương tiện khác."
"Truyền thông là một trong những công cụ xã hội quan trọng nhất mà chúng ta có, có thể thay đổi cách nhìn về vấn đề giới tính bằng việc trao quyền cho phụ nữ thông qua việc vận động, xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ hơn và thay đổi các cấu trúc quyền lực," Albana Shala - Chủ tịch của Chương trình quốc tế về phát triển truyền thông UNESCO nhấn mạnh.
"Chúng ta cần thiết lập liên minh với các biên tập viên và các nhà quản lý có ảnh hưởng, những người thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới thông qua các phương tiện truyền thông," Chủ tịch của Chương trình quốc tế về phát triển truyền thông UNESCO nói.
Những người tham gia một buổi thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn. (Nguồn: DW)
Theo bà Catherine Nyambura thuộc Hiệp hội hỗ trợ chương trình khu vực của FEMNET ở Kenya, không thể bỏ qua vai trò quan trọng ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông mới.
"Truyền thông xã hội và kỹ thuật số mang lại cơ hội để khuếch đại các tiếng nói vào một thời điểm khi vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tai nhiều quốc gia trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi thừa nhận rằng mạng xã hội mang lại một nền tảng cho các nỗ lực liên kết và phối hợp, đặc biệt vào thời điểm hiện nay khi mà các nguồn lực còn hạn chế."
Bà Michelle Demishevich, một nhà báo chuyển giới của Thổ Nhĩ Kỳ nêu vấn đề phân biệt cộng đồng LGBTI (tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, song tính luyến ái, người chuyển giới và liên giới tính) ở đất nước bà sinh sống, đặc biệt trong ngành truyền thông.
Bà khuyến khích truyền thông quốc tế lên tiếng vì những người bị áp bức chỉ vì vấn đề giới tính ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Buổi hội thảo do nhà báo Jaafar Abdul-Karim, người từng giành giải thưởng của DW, chủ trì. Hội thảo, do mạng lưới các thành viên Gender@International Bonn thuộc Cơ quan hợp tác quốc tế Đức tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức, Deutsche Welle, Văn phòng lãnh sự North Rhine-Westphalia và Ủy ban quốc gia về phụ nữ của Liên hợp quốc tại Đức, phối hợp tổ chức./.
Vietnam+
© 2024 | Thời báo ĐỨC