Theo đó, thủ tướng Merkel đề xuất rằng những người tị nạn đang đến Đức mà đã đăng ký tại một quốc gia EU khác nên được đưa đến các trung tâm tạm trú đặc biệt.
AFP cho biết 2 trong số những quốc gia này là Hungary và Cộng hòa Séc đã bác bỏ đề xuất trên bất chấp việc bà Merkel cho biết đã đạt được thỏa thuận riêng với Tây Ban Nha và Hi Lạp.
"Không có người xin tị nạn nào được vào lãnh thổ Hungary nếu những người này đã đặt chân vào Hi Lạp hoặc một quốc gia thành viên khác" - phát ngôn viên Thủ tướng Hungary là Bertalan Havasi nhấn mạnh.
"Đức đã không bàn bạc với chúng tôi và tôi sẽ không ký thỏa thuận này" - thủ tướng Séc Andrej Babis tuyên bố.
Bà Merkel đưa ra đề xuất này sau khi 28 nước thành viên EU tìm ra một thỏa thuận khó khăn hôm 29-6 để giải quyết vấn đề di cư và ngăn chặn cuộc khủng hoảng đang đe dọa toàn khối đồng chung này.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, các lãnh đạo châu Âu đã đồng ý xem xét việc xây dựng các "cơ sở tị nạn" bên ngoài EU, hầu hết sẽ ở Bắc Phi nhằm ngăn chặn những người di cư và tị nạn tìm đường bất hợp pháp vào châu Âu.
Ngoài ra các quốc gia thành viên EU cũng thành lập các trung tâm kiểm duyệt để xác định liệu những người mới đến có muốn trở về nước như những người di cư kinh tế hay muốn trở thành người tị nạn tại những nước sẵn lòng đón nhận.
Mặt khác bà Merkel, còn chưa đầy 100 ngày tại vị trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư của bà, đang đối mặt với sự phản ứng dữ dội từ đảng CSU sau khi cho phép hơn một triệu người tị nạn vào Đức năm 2015.
Đề xuất của bà Merkel sẽ được thảo luận trong ngày hôm nay tại cuộc họp của đảng CDU cầm quyền cùng với đảng bảo thủ đối lập CSU. Cuộc họp này cũng sẽ quyết định số phận của chính phủ của bà Merkel.
Nguồn: Anh Thư/ Tuoitre.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC