Quang cảnh vắng lặng tại nhà ga sân bay Düsseldorf, Đức. Ảnh: EPA/ TTXVN
Theo một người phát ngôn của Air Berlin, hơn 30 chuyến bay đã bị hủy trong ngày 13/9 khi 150 phi công tiếp tục cáo ốm trong ngày thứ 2 liên tiếp. Sân bay Düsseldorf và Berlin-Tegel bị ảnh hưởng nặng nề nhất do vụ việc được xem là bất thường này của các phi công.
Giới chức Air Berlin cũng khuyến cáo hành khách sử dụng dịch vụ của hãng không nên đến các sân bay kể trên, trong khi Bộ trưởng Vận tải Đức Alexander Dobrindt cũng kêu gọi các phi công trở lại làm việc.
Trước đó 1 ngày, hàng nghìn hành khách đã bị ảnh hưởng khi 200 trong tổng số 1.500 phi công của Air Berlin bất ngờ cáo ốm, khiến khoảng 100 chuyến bay bị hủy.
Air Berlin cho rằng việc các phi công nghỉ làm đã đe dọa "sự tồn tại" của hãng, đồng thời cảnh báo tình trạng rối loạn này có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Không chỉ vậy, hãng hàng không giá rẻ Eurowings - công ty con của Tập đoàn hàng không khổng lồ Lufthansa (Đức), cho Air Berlin thuê máy bay và phi hành đoàn, cũng bị ảnh hưởng trong ngày thứ 2.
Air Berlin - hãng hàng không lớn thứ hai của Đức, đã buộc phải đệ đơn bảo hộ phá sản vào giữa tháng 8 vừa qua sau khi cổ đông Etihad Airways rút vốn sau nhiều năm thua lỗ. Ước tính, trong 2 năm vừa qua, Air Berlin đã để thua lỗ tới 1,4 tỷ USD.
Hiện các nhà thầu đang chờ mua tài sản của hãng, trong đó Lufthansa được xem là hãng có thể giành được phần lớn nhất so với các đối thủ. Theo kế hoạch, các nhà thầu sẽ nộp hồ sơ dự thầu cho đến ngày 15/9 và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sớm nhất vào ngày 21/9, trước cuộc tổng tuyển cử 3 ngày.
Hồi năm ngoái, hãng hàng không TUIfly cũng buộc phải hủy bỏ nhiều chuyến bay do nhiều phi công cáo ốm sau khi nghiệp đoàn công bố cuộc đàm phán sáp nhập thất bại, ảnh hưởng đến việc làm và lương của phi công.
TTXVN/Báo Tin Tức
© 2024 | Thời báo ĐỨC