Phụ nữ Đức đã được pháp luật bảo hộ ra sao về cơ hội thăng tiến, bình đẳng trong tiền lương, tránh bị quấy rối tình dục nơi công sở và cân bằng giữa công việc và gia đình?
Chia sẻ những vấn đề trên, bà Christa Randzio Plath – nguyên Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu – Chủ tịch Hiệp hội Marie Schelei Verein của Đức – cho biết:
“Hiện nay, tỉ lệ phụ nữ đi làm ở Đức cao thứ 2 trong EU (năm 2016 có 18,3 triệu phụ nữ Đức độ tuổi từ 20 tới 64 đi làm. Con số đó tương ứng với 74,5% tổng số phụ nữ ở độ tuổi này). Tuy nhiên, Đức cũng đã và đang gặp phải những thách thức trong công tác bảo hộ lao động và chống phân biệt đối xử”.
Theo bà Christa Randzio Plath:
“Đức cũng đã và đang gặp phải những thách thức như so với nam giới, phụ nữ vẫn làm việc bán thời gian nhiều hơn, có tiền lương thấp và quan hệ lao động bấp bênh”
Ở Đức, số nam giới nắm giữ các vị trí lãnh đạo nhiều hơn phụ nữ. Công việc nhà vẫn thuộc bổn phận của phụ nữ, nghĩa là bất bình đẳng trong quan niệm về nghĩa vụ đối với việc nhà. Từ trước đến nay, công tác bảo hộ lao động và bảo vệ sức khỏe được thực hiện không phân biệt giới tính (trung lập về giới tính), lý do là vì những khác biệt về giới tính đã bị phớt lờ bởi chính giới, các nhà khoa học và các chủ thể tại các doanh nghiệp.
Người ta cho rằng, những áp lực và sự nguy hiểm tác động như nhau tới nam giới và phụ nữ dẫn đến điều kiện lao động khác nhau, sức ép và nguy cơ từ công việc khác nhau và điều đó ảnh hưởng khác nhau tới sức khỏe của phụ nữ.
Những nguy cơ tại các vị trí làm việc của nam giới thường được quan tâm nhiều hơn. Những nguy cơ mà công việc gây ra đối với sức khỏe của phụ nữ không được quan tâm đúng mức, thậm chí không được nhận biết tới. Phụ nữ hay phải chịu đựng những đau đớn, áp lực (stress) và những tác động khác tới sức khỏe”.
Để bảo hộ lao động và không phân biệt đối xử tại vị trí làm việc dưới lăng kính giới, bà Christa Randzio Plath đã chia sẻ một số quy định và kinh nghiệm ở Đức:
1. Chú trọng chế độ thai sản, nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ
Ở Đức, thời gian nghỉ thai sản được bắt đầu từ 6 tuần trước khi sinh và kết thúc (trong trường hợp bình thường) 8 tuần sau sinh.
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú được hưởng chế độ bảo vệ đặc biệt trước các nguy cơ tại vị trí làm việc và trước quyết định sa thải. Những vị trí làm việc được thiết kế để 1 phụ nữ mang thai có thể làm việc ở đó đương nhiên là cũng phù hợp về mặt sức khỏe đối với những lao động khác. Không được phép cấm phụ nữ mang thai làm việc nếu điều này đi ngược lại với nguyện vọng của họ.
Ở Đức, cùng với việc phát triển các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ, nhà nước còn áp dụng chính sách chi trả tiền để cha mẹ có thể nghỉ việc ở nhà chăm con nhỏ cũng như tạo điều kiện để người lao động có thời gian chăm sóc con nhỏ hoặc người thân, qua đó giúp người lao động giảm thiểu các trường hợp phải tạm ngừng việc vì lý do gia đình, rút ngắn khoảng thời gian gián đoạn công việc này, đồng thời giúp họ nhanh chóng quay trở lại với nghề nghiệp.
Ở Đức, việc triển khai chương trình hành động “Triển vọng đi làm trở lại” đã góp phần cải thiện cơ hội quay trở lại làm việc và thăng tiến của chị em phụ nữ sau những thời kỳ gián đoạn công việc vì lý do gia đình
2. Chính sách giúp cân bằng giữa công việc và gia đình
Cho đến khi con tròn 3 tuổi, bố hoặc mẹ có quyền được hưởng chế độ nghỉ việc để chăm sóc, dạy con. Luật ở Đức không cho phép chấm dứt hợp đồng đối với người lao động trong thời gian này.
Chế độ chi trả để bố mẹ nghỉ việc ở nhà chăm sóc con nhỏ được tính theo cách: Nếu trước sinh, thu nhập của người lao động ở trong khoảng 1.000-1.200 Euro/tháng thì khoản tiền chế độ này được tính ở mức 67%, nếu thu nhập trước sinh là 1.220 Euro thì sẽ nhận 66%, nếu là 1.240 Euro trở lên thì là 65%. Nếu thu nhập trước sinh thấp hơn 1.000 Euro thì tỷ lệ tiền được hưởng sẽ tăng dần cho tới tối đa là 100%. Trong trường hợp phụ nữ trước sinh chưa đi làm thì vẫn được hưởng chế độ này với khoản tiền chi trả ở mức 300 Euro/tháng.
Những gia đình có nhiều con nhỏ sẽ được nhận thêm 1 khoản tiền gọi là trợ cấp đông con
3. Bảo vệ phụ nữ khỏi tình trạng quấy rối tình dục ở nơi làm việc
Ở Đức, quấy rối tình dục được cho là 1 hình thức bạo lực tâm lý và thể chất, được sử dụng để thể hiện quyền lực và vị thế để xâm phạm nhân phẩm của người khác. 93% phụ nữ từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chính vì vậy quấy rối tình dục là vấn đề liên quan đến sức khỏe phụ nữ. 71% nam giới và 74% phụ nữ đồng tình với nhận định: Quấy rối tình dục là lạm dụng quyền đối với phụ nữ.
Luật bảo vệ người lao động ở Đức đã có quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo vệ người lao động trước các hành vi quấy rối tình dục. Luật cũng đưa ra 3 quyền cơ bản để bảo vệ nạn nhân bao gồm quyền được khiếu nại, quyền từ chối làm việc và quyền được đòi đền bù và bồi thường thiệt hại…; Có quy định về việc sa thải vô thời hạn đối với người quấy rối; có chế tài và triển khai những biện pháp để bảo vệ nạn nhân trong tương lai…
4. Có chính sách bình đẳng về lương đối với cùng công việc và cơ hội thăng tiến
Ban hành luật liên bang về Khuyến khích minh bạch cấu trúc mức lương (có hiệu lực từ ngày 1/6/2017) là một bước đi quan trọng ở Đức. Luật này sẽ có tác động mạnh vào quá trình triển khai nguyên tắc “lương như nhau đối với công việc giống nhau hoặc công việc có cùng giá trị” giữa nam và nữ.
Để nâng đáng kể tỷ lệ phụ nữ có vị trí lãnh đạo, Luật bình đẳng giới của Đức đã đưa ra quy định về tỷ lệ nữ bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo phải ở mức chỉ tiêu là 30%
Nước Đức cũng đã đưa ra những quy định trong luật về sự bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, cả trong khối doanh nghiệp tư nhân lẫn trong lĩnh vực dịch vụ công; đưa ra chỉ tiêu về giới đối với thành phần của Hội đồng giám sát (của các doanh nghiệp lớn) và buộc những doanh nghiệp này phải đưa ra những mục tiêu cụ thể, bắt buộc.
© 2024 | Thời báo ĐỨC