Sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhiều người dân xứ sở sương mù đang sinh sống tại Đức cảm thấy bất ổn và không chắc chắn.
Theo báo Đức Tấm gương (Spiegel), đã có nhiều người Anh nộp đơn xin trở thành công dân Đức.
Bài báo viết về trường hợp cô Alison Fry có chồng là người Đức, hai con gái mang hộ chiếu Đức và đã sống 27 năm ở Đức. Thế nhưng, sau sự kiện Brexit, người phụ nữ 49 tuổi này đã nộp đơn xin nhập tịch Đức, bởi bà không muốn sau này khi làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay bà là thành viên duy nhất trong gia đình phải đứng ở cửa làm thủ tục cho những người không phải công dân EU.
Không chỉ trường hợp cô Fry, mà tại Đức còn có rất nhiều trường hợp người Anh muốn nhập tịch Đức sau vụ Brexit.
Theo báo Đức, kể từ đầu năm 2016 và đặc biệt từ ngày 23/6 đến nay, đã có rất nhiều người Anh nộp đơn xin nhập quốc tịch Đức và xu hướng này đặc biệt tăng mạnh ở các địa phương lớn tại Đức. Một số nơi như tại Stuttgart, số người nộp đơn xin nhập tịch Đức tăng gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Hamburg đã có 120 công dân Anh xin nhập tịch Đức kể từ sau ngày 23/6.
Trước tình hình trên, nhóm nghị sĩ đảng Xanh trong Quốc hội đang đề nghị nới lỏng các quy định về nhập tịch cho công dân Anh. Với các trường hợp đã sống ở Đức trên 6 năm đã hội đủ các tiêu chí nên được tạo điều kiện để họ có quốc tịch Đức, thay vì mức thời hạn thông thường là 8 năm.
Tuy nhiên, Chính phủ Đức đã phản đối dành đặc quyền cho công dân Anh được nhập quốc tịch Đức, cho rằng việc nhập tịch với người nước ngoài phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện chung đã đặt ra.
Thông thường, người nước ngoài muốn nhập quốc tịch Đức phải từ bỏ quốc tịch ban đầu của mình, song với công dân EU có đôi chút khác biệt. Một người quốc tịch Anh muốn trở thành công dân Đức thì người này vẫn được giữ quốc tịch Anh chừng nào nước Anh còn thuộc EU.
Đây là lý do đã có rất nhiều người Anh ở Đức nộp đơn xin nhập tịch Đức kể từ sau ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý 23/6 vừa qua.
Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Berlin)
© 2024 | Thời báo ĐỨC