Đến giữa năm 2016, TP.HCM có gần 4.000 Việt kiều về nước đăng ký thường trú (hồi hương), có quốc tịch VN nhưng vẫn giữ quốc tịch nước ngoài.
Ngoài ra, hàng ngàn Việt kiều nhập cảnh về nước bằng hộ chiếu VN, sau đó đăng ký thường trú tại các quận, huyện thuộc TP.HCM nhưng vẫn giữ quốc tịch nước ngoài (có hoặc không khai báo quốc tịch thứ hai). Tuy nhiên, những cơ quan có trách nhiệm quản lý lĩnh vực này tại TP.HCM thừa nhận: không quản lý được hoặc quản lý nhưng không đầy đủ.
Có quốc tịch nhưng chưa được hưởng quyền công dân
Bà T. (ngụ Q.10, TP.HCM) là công dân VN, lấy chồng người nước ngoài, ra nước ngoài sinh sống, năm 2002 sinh con tên A. tại nước ngoài. Sau đó bà T. ly hôn chồng, đưa con về VN.
Khi nhập cảnh VN, bà T. sử dụng hộ chiếu VN và con gái sử dụng hộ chiếu nước ngoài. Tại TP.HCM, năm 2007 bà T. làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại Sở Tư pháp TP và được cấp giấy khai sinh có cha là người nước ngoài, mẹ là người VN, bé A. có quốc tịch VN.
Vậy nhưng khi bà T. làm thủ tục xin cấp hộ chiếu cho con để tiện việc xuất nhập cảnh thì bị từ chối. Theo cán bộ tiếp nhận hồ sơ, do bé A. nhập cảnh VN bằng hộ chiếu nước ngoài nên không thể cấp hộ chiếu VN.
Đại tá Nguyễn Văn Anh – trưởng Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an TP.HCM – cho biết trường hợp bé A. áp dụng theo thông tư liên tịch số 05 năm 2009 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2012) hướng dẫn công dân VN định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại VN.
Theo đó, người VN định cư ở nước ngoài phải có quốc tịch VN trước hoặc đồng thời có cả quốc tịch VN và nước ngoài thì được xử lý theo diện Việt kiều hồi hương.
Trường hợp bé A. có quốc tịch nước ngoài trước, nhập cảnh VN với tư cách công dân nước ngoài, sau đó làm thủ tục khai sinh, nhập quốc tịch VN nên không được xét theo diện Việt kiều hồi hương. Bé A. cũng không có quyết định của Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch VN nên không thể giải quyết như người nước ngoài nhập quốc tịch VN.
Vừa qua, những trường hợp tương tự bé A. cũng bị vướng, không xử lý được. “Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị cấp trên để cấp hộ chiếu VN cho cháu A. nhưng chưa có kết quả” – đại tá Anh nói.
Vì sao cho nhập quốc tịch nhưng không được cấp hộ chiếu VN? Theo văn bản của Sở Tư pháp TP.HCM, việc bé A. được nhập quốc tịch VN là cách giải quyết linh động của sở dựa trên văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, nhằm tạo điều kiện cho bé đi học, hòa nhập xã hội chứ chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể quy định về trường hợp này.
Hướng dẫn của Bộ Tư pháp trích dẫn điều 15 Luật quốc tịch VN quy định: “Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ VN mà khi sinh ra có cha và mẹ đều là công dân thì có quốc tịch VN”. Theo Bộ Tư pháp giải thích, chỉ cần trẻ có cha và mẹ là công dân VN (có cha hoặc mẹ là người VN – PV) thì có quốc tịch VN từ khi sinh ra.
Việc đứa trẻ đó được đăng ký khai sinh ở cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài không ảnh hưởng tới việc có quốc tịch VN của trẻ. Cách hiểu và áp dụng pháp luật này khác với cách hiểu và áp dụng của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh TP, nên bé A. vẫn chưa có được hộ chiếu VN.
Một người dân khác tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì mang hai quốc tịch kể: “Tôi sinh ra ở nước ngoài, giấy khai sinh thể hiện tôi mang quốc tịch nước ngoài. Khi về VN, tôi xin nhập quốc tịch VN, hiện đã được cấp hộ khẩu, CMND như mọi công dân khác.
Vừa qua tôi được thừa kế di sản là bất động sản, nhưng khi làm thủ tục chuyển tên giấy chủ quyền nhà đất, cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp giấy khai sinh bản gốc. Do trên giấy khai sinh thể hiện tôi mang quốc tịch nước ngoài nên tôi không thể đứng tên giấy chủ quyền nhà đất mà tôi được thừa kế”.
Khi nào VN, khi nào nước ngoài?
Điều 4 Luật quốc tịch VN quy định công nhận công dân VN có một quốc tịch VN, trừ trường hợp luật này có quy định khác. Quy định khác ở đây, theo khoản 1, điều 12 Luật quốc tịch là công dân VN đồng thời có quốc tịch nước ngoài sẽ được giải quyết theo điều ước quốc tế mà VN là thành viên, trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế.
Theo quy định tại điều 31 Luật quốc tịch, chỉ công dân VN ở nước ngoài hoặc những người được nhập quốc tịch VN, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN hoặc đến uy tín của VN thì có thể bị tước quốc tịch VN. |
Đại tá Nguyễn Văn Anh khẳng định: theo quy định trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, người nhập cảnh bằng loại giấy tờ (hộ chiếu, thẻ thường trú) nào thì phải xuất cảnh bằng loại giấy tờ đó. Ví dụ, công dân VN định cư ở nước ngoài có hai hoặc nhiều quốc tịch, khi nhập cảnh VN bằng hộ chiếu VN thì được đối xử như công dân VN, mọi quyền và nghĩa vụ áp dụng như công dân VN.
Nếu người đó nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài sẽ được xác định là người nước ngoài nhập cảnh VN, phải xin thị thực (visa), hết thời hạn mà không được gia hạn phải xuất cảnh khỏi VN, nếu không sẽ bị xử phạt. Các loại giấy tờ chứng minh người này là công dân VN chỉ có giá trị tham khảo chứ không được đối xử như công dân VN.
Đối với người VN định cư tại nước ngoài hồi hương, sau khi được cấp hộ chiếu VN buộc phải sử dụng hộ chiếu VN để xuất nhập cảnh chứ không sử dụng hộ chiếu nước ngoài xuất nhập cảnh vào VN và được hưởng các quyền như công dân VN.
Khác với quan điểm của ông Anh, bà Lê Thị Bình Minh, phó giám đốc Sở Tư pháp TP, cho rằng: “Luật VN công nhận nguyên tắc công dân VN có một quốc tịch. Công dân VN ra nước ngoài có quốc tịch nước ngoài là mối quan hệ giữa công dân đó và nhà nước cấp quốc tịch cho họ, còn tại VN họ được đối xử bình đẳng theo Hiến pháp, không bị chi phối bởi quốc tịch thứ hai.
Đối với Sở Tư pháp TP, người dân có đủ các loại giấy tờ liên quan chứng minh mình là công dân VN (CMND, hộ khẩu, các loại giấy tờ khác) sẽ được đối xử bình đẳng, đáp ứng các nguyện vọng theo quy định pháp luật. Chúng tôi không có hệ thống liên thông với cơ quan xuất nhập cảnh và cũng không có quy định nào buộc xác định người dân tới cơ quan chức năng như cơ quan tôi phải xuất trình giấy tờ chứng minh mình nhập cảnh VN với tư cách gì để nhận biết và xử lý”.
Ở nhiều lĩnh vực như đăng ký kinh doanh các ngành nghề có điều kiện, chính sách thuế, lao động, bảo hiểm, y tế, giáo dục… đều có quy định khác biệt giữa người VN và người nước ngoài. Do vậy, những trường hợp tương tự bé A. sẽ gặp nhiều khó khăn khác trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục công lập, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh… Vì trên một số giấy tờ họ là công dân VN, về quy định sẽ được đối xử bình đẳng như mọi công dân VN khác.
Tuy nhiên trên giấy khai sinh họ là công dân nước ngoài, được đối xử với tư cách là công dân nước ngoài và mọi quyền lợi của công dân VN họ không được hưởng.
Đầu tháng 5-2016, Bộ Lao động – thương binh và xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát trường hợp trẻ em có cha, mẹ là người nước ngoài về sinh sống tại địa phương và kiến nghị xử lý những vướng mắc liên quan. Tuy nhiên, phạm vi khảo sát chỉ dừng lại ở “những trẻ em là con của phụ nữ kết hôn với người nước ngoài trở về VN sinh sống”, chưa đề cập tất cả trường hợp có yếu tố nước ngoài, mang hai quốc tịch.
Những vấn đề đặt ra
Thực tế hiện nay cho thấy chính sách mở cửa, kêu gọi đầu tư của nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định: người nước ngoài đầu tư vào các nước đó một khoản tiền nhất định sẽ được cấp quốc tịch. Quy định của một số quốc gia này không buộc người nhập quốc tịch phải từ bỏ quốc tịch gốc của họ.
Chưa rõ có cơ quan nào thống kê chính thức tại VN hiện nay có bao nhiêu người đã được cấp quốc tịch theo hình thức này nhưng theo các chuyên gia trong lĩnh vực di trú nước ngoài, con số này không nhỏ. Trong khi đó, VN chưa có quy định nào để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.
Lãnh đạo một cơ quan cảnh sát điều tra của một quận tại TP.HCM đặt giả thiết: “Trong trường hợp một người dân VN bí mật mang quốc tịch khác có vi phạm pháp luật, bỏ trốn và bị truy nã với thông tin về nhân thân, nhận dạng của công dân VN.
Thời điểm đó họ có hộ chiếu nước ngoài với nhân thân khác, liệu cơ quan chức năng VN có xác định được hai người là một hay không? Nếu có, khi bắt giữ, xử lý thì quốc gia mà người đó mang quốc tịch vẫn có quyền bảo hộ công dân của họ”.
Một vấn đề nữa mà một lãnh đạo ngành công an cho rằng có thể gặp trong thực tế: hai vợ chồng là công dân VN ra nước ngoài làm việc, sinh con tại nước ngoài và nhập quốc tịch nước ngoài cho con. Sau đó họ tới cơ quan đại diện ngoại giao của VN ở nước sở tại đăng ký khai sinh, làm hộ chiếu, nhập cảnh về VN mà không khai báo con mình có quốc tịch nước ngoài.
Tại VN, đứa trẻ lớn lên và tham gia lực lượng vũ trang, đảm nhiệm các vị trí quan trọng… Công dân mang hai quốc tịch, về cơ bản, họ có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của VN, đồng thời cũng có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của nước thứ hai mà họ mang quốc tịch. Khi lợi ích của hai quốc gia xung đột nhau, họ sẽ xử lý như thế nào? Cơ chế kiểm tra, giám sát vấn đề này hiện nay ra sao?
Xung đột khi mang hai quốc tịch
Khi tổng kết thi hành Luật quốc tịch VN năm 2008, Bộ Tư pháp đã chỉ ra việc xung đột quốc tịch vẫn xảy ra và trên thực tế các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý mối xung đột, tranh chấp đó. Theo Bộ Tư pháp, thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ người VN định cư ở nước ngoài vừa có quốc tịch nước ngoài vừa có quốc tịch VN, làm nên tình trạng hai quốc tịch. Nhưng pháp luật thiếu cơ chế giải quyết những hệ quả phát sinh do người có hai hay nhiều quốc tịch đem lại như việc lựa chọn pháp luật áp dụng, lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hoặc xử lý những việc đơn giản, chẳng hạn như cách thức ghi các giấy tờ hành chính tư pháp đối với người hai quốc tịch… chưa được pháp luật quy định. Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy với chính sách mở cửa của Nhà nước, đã có nhiều người VN định cư ở nước ngoài có hai quốc tịch về nước đầu tư, làm ăn sinh sống. Vấn đề phức tạp đặt ra là khi thực hiện các giao dịch, hợp đồng tại VN, rất khó áp dụng pháp luật đối với họ. Thực tiễn cho thấy người hai quốc tịch thường sử dụng quy chế công dân có lợi cho họ, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền của VN khi làm thủ tục pháp lý hoặc giải quyết các tranh chấp phát sinh đối với người có hai hay nhiều quốc tịch. Mặt khác, với nhiều trường hợp khi xin nhập, xin trở lại quốc tịch VN mà có nguyện vọng giữ lại quốc tịch nước ngoài thường không đưa ra được lý do đặc biệt để trình Chủ tịch nước cho giữ quốc tịch nước ngoài, khiến việc xem xét giải quyết mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, tranh chấp giữa VN với nước ngoài trong việc bảo hộ người có hai quốc tịch, trong đó có quốc tịch VN, cũng là vấn đề có thể xảy ra. Trao đổi với TTCT, một số thẩm phán cho biết khi giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, tòa án đã gặp một số khó khăn nhất định. Theo quy định, với đương sự vừa có quốc tịch VN vừa có quốc tịch nước ngoài thì tòa án được lập hồ sơ ủy thác bằng tiếng Việt nếu xác định được quốc tịch hữu hiệu của đương sự là quốc tịch VN. Tuy nhiên do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành hướng dẫn cách thức, trình tự thủ tục xác định quốc tịch hữu hiệu của người vừa có quốc tịch VN vừa có quốc tịch nước ngoài, nên nhiều tòa án lúng túng trong việc lựa chọn một trong hai loại ngôn ngữ để lập hồ sơ ủy thác tư pháp đối với người có hai quốc tịch, dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên. |
Theo Tâm Lụa / tuoitre.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC