Những người biểu tình này, thuộc nhóm “Thế hệ cuối cùng”, đã tuyên bố đường cao tốc A100 là “nơi phản kháng dân sự bất b̵ạ̵o̵ ̵đ̵ộ̵n̵g̵” khi họ yêu cầu một luật chống lãng phí thực phẩm và phát thải khí nhà kính liên quan đến nông nghiệp.
RT cho hay, cuộc biểu tình là một phần trong chuỗi phong tỏa giao thông liên tục của nhóm này ở thủ đô nước Đức, cũng như ở thành phố Hamburg và Stuttgart trong tuần qua. Trong một tuyên bố, nhóm Thế hệ cuối cùng cũng đưa ra cảnh báo về các cuộc biểu tình tiếp theo ở các thành phố khác của Đức.
Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình đã để đồ ăn bị lãng phí trên đường và chặn các lối đi khiến một số lái xe đã bực bội ra khỏi xe và kéo mũ trùm đầu cùng ba lô của các nhà hoạt động. Trong một loạt các tweet, nhóm thừa nhận đã được kêu gọi dừng các cuộc biểu tình nhiều lần, nhưng họ vẫn tiến hành với lý do “phản kháng dân sự bất b̵ạ̵o̵ ̵đ̵ộ̵n̵g̵ để ngăn chính phủ Đức phạm tội ác chống lại loài người”.
“Khi lên kế hoạch để đạt được sự trung lập về khí hậu vào năm 2045, chính phủ Đức đã phá vỡ nghĩa vụ hiến pháp bảo vệ cuộc sống của chúng ta”, nhà hoạt động Carla Hinrichs cho biết trong một tuyên bố, theo Reuters.
Nhóm này tuyên bố rằng có 252 người biểu tình đã tham gia vào các cuộc phong tỏa tương tự trong hai tuần qua, với khoảng 69 người sử dụng keo tự dán mình xuống đường để không ai có thể đẩy họ đi. Nhóm Thế hệ cuối cùng cũng cho biết thêm rằng, có 42 nhà hoạt động đã tham gia vào các cuộc phong tỏa đường cao tốc ở thủ đô Berlin và ở phía tây nam thành phố Freiburg hôm 7.2.
Một phát ngôn viên cảnh sát giấu tên lưu ý, nhóm Thế hệ cuối cùng đã chặn ba lối vào đường cao tốc tại ba địa điểm ở Berlin và thất bại khi cố gắng chiếm lối vào thứ tư. Cảnh sát đang cố gắng xác minh danh tính của những người tham gia và xem xét liệu họ có cần bị tạm giữ hay không, nhưng không thể nói chính xác có bao nhiêu người đã bị giam giữ kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu.
Nguồn: laodong.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC