Nan giải việc có bắt buộc đeo khẩu trang ở Đức hay không

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 1/4 đã họp với Thủ hiến các bang tại Đức về việc bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng phòng Covid-19.

Chủ đề về việc có bắt buộc dân chúng Đức đeo khẩu trang hay không là một trong các trọng tâm thảo luận. Theo đó, Mỗi bang của Đức có quyền đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hoặc nới lỏng hơn, như bang Bavaria vẫn duy trì lệnh phong toả chặt chẽ hơn các phần khác của nước Đức hoặc một thị trấn ở miền Đông nước Đức ra lệnh cho người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra đường.

Về việc đeo khẩu trang, bà Merkel và các Thủ hiến bang nhất trí rằng việc đeo khẩu trang không phải là yêu cầu bắt buộc với người dân Đức và người đeo khẩu trang vẫn phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khác. Tuy nhiên, bà Merkel ủng hộ việc thử nghiệm các ứng dụng trên điện thoại di động để truy tìm dấu vết những người có tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh.

Trong chiều ngày 1/4, bà Angela Merkel cũng đã có cuộc họp với các tập đoàn sản xuất công nghiệp, trong đó chủ yếu là các hãng sản xuất ô tô, để bàn các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ Đức đã thông báo tung ra gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này, lên tới trên 750 tỷ Euro để trợ giúp các doanh nghiệp và người lao động.

132 1 Nan Giai Viec Co Bat Buoc Deo Khau Trang O Duc Hay Khong

Trước đó, trong ngày 31/3, thị trấn Jena ở miền Đông nước Đức đã trở thành địa phương đầu tiên tại Đức ra lệnh bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Nước láng giềng của Đức là Áo cũng ra quy định buộc những người đi siêu thị phải đeo khẩu trang.

Nhiều bang tại Đức cũng đã lên tiếng ủng hộ biện pháp này. Thủ hiến bang Baden-Wurttemberg, một trong các bang chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch Covid-19 tại Đức, ông Winfried Kretschmann tuyên bố sẽ đề cập vấn đề này với Thủ tướng Đức, Merkel.

Trong ngày 31/3, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn thừa nhận là ngày càng có nhiều công dân Đức muốn đeo khẩu trang nhưng cho biết, ông không muốn điều này trở thành quy định bắt buộc với tất cả mọi người.

Tại Đức, cũng như nhiều nước châu Âu khác, giới chức y tế vẫn khuyến cáo rằng khẩu trang nên ưu tiên dành cho các nhân viên y tế và những người bị bệnh. Tuy nhiên, các phân tích khoa học chỉ ra rằng có một số lượng lớn người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ và những người này vẫn có thể truyền bệnh cho người khác nếu không đeo khẩu trang

Trong khi đó, trước tình hình lây lan ngày càng tăng mạnh, Viện Dịch tễ liên bang Đức Robert Koch (RKI) đã bất ngờ thay đổi quan điểm trong việc đeo khẩu trang, theo hướng ủng hộ việc sử dụng đồ bảo hộ này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm. Trang web của RKI đã ra khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang phòng ngừa ngay cả khi người đó không có triệu chứng bị bệnh và việc đeo khẩu trang có thể giúp làm giảm nguy cơ lây lan virus cho người khác.

Trước đây, RKI chỉ khuyến cáo việc dùng khẩu trang cho những người mắc bệnh hô hấp cấp tính. Tuy nhiên, Theo RKI, không phải ai nhiễm SARS-CoV-2 cũng nhận biết được mình đã nhiễm virus hay chưa. Nhiều người nhiễm bệnh không hề có biểu hiện gì đã vô tình lây lan virus cho người khác.

Do vậy, những quy định ứng xử liên quan đến việc ho, hắt hơi, rửa tay và giữ khoảng cách tối thiểu với nhau cũng nên kèm với việc đeo khẩu trang.

Theo thăm dò, đa số người Đức được hỏi (57%) ủng hộ việc đeo khẩu trang để chống sự lây lan của virus. Tuy nhiên, hiện việc đeo khẩu trang ở Đức còn là vấn đề tranh cãi giữa liên bang, các bang vả cả giới chuyên gia, một phần là do tình trạng cực kỳ khan hiếm khẩu trang hiện nay và khẩu trang chưa được trang bị đầy đủ cho các cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe.

Nguồn: Tổng hợp


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày