Các nhà hàng, khách sạn gặp khó khăn lớn trong kỳ tránh dịch COVID-19

Chỉ trong vòng 2 tuần sau khi các tiểu bang và chính phủ Đức ban hành những biện pháp chống dịch, nhiều hàng quán cũng như khách sạn rơi vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính, mức doanh thu giảm xuống gần như con số 0.

Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn sẽ có nhiều nhà hàng phải “dẹp tiệm”.

Mặc dù một số khách sẵn sàng mua trước Gutschein/voucher – là một dạng phiếu mua hàng thanh toán trước, sau này chỉ cần cầm phiếu đến mua đồ là được, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp này về lâu dài cũng không thật sự khả thi, bởi xét theo tình hình chung thì hiện tại ai cũng khó khăn.

Hơn nữa giờ thu tiền trước cũng không thể đạt mức thu nhập như bình thường, bởi mỗi người khách cũng chỉ có thể mua 1 hoặc 2 Gutschein trong cả thời kỳ tránh dịch, không như trước đây mỗi tuần có thể tới ăn nhiều lần.

Nhiều chủ nhà hàng đã lên tiếng phàn nàn, bởi các quán ăn ở những thành phố lớn trước đây vốn nhộn nhịp, sầm uất, giờ vắng tanh vắng ngắt không một bóng người.

Để vẫn còn khả năng chi trả, nhiều quán hàng đã kêu gọi khách của họ nếu có đặt bàn thì không huỷ (mặc dù theo tình trạng hiện giờ khách hoàn toàn có quyền huỷ), mà lùi lại lịch đặt cho thời gian sau này.

132 1 Cac Nha Hang Khach San Gap Kho Khan Lon Trong Ky Tranh Dich Covid 19

Chí ít như vậy thì các nhà hàng cũng không mất đi phí đặt cọc. Khách hàng muốn mua trước Gutschein/voucher có thể đăng ký qua các trang “helfen.berlin” hoặc “PayNowEatLater”. Các nhà hàng họ lựa chọn sẽ nhanh chóng nhận được tiền để tạm chi trả những khoản cần thiết.

Trên hai trang mạng này đã có đến hơn 100 nhà hàng và quán cà phê đăng ký hàng ngày để mong phục vụ khách.

Mỗi ngày cũng có tới 100.000 Euro được “thu vào” theo cách “trả trước ăn sau” này.

Dù vậy, đây cũng không phải là biện pháp lâu dài, càng không phải là biện pháp hay và khiến cho người ta có thể phấn chấn, lạc quan, chỉ là một cách “tạm ứng trước”, số tiền đó sau này vẫn phải bù lại, vẫn phải lấp lỗ hổng. Tất nhiên, hiện tại đó là một trợ giúp rất lớn.

Tuy nhiên, không ai biết trước được là tình trạng này còn kéo dài bao lâu, liệu cả quán ăn và khách có trụ vững để đợi đến lúc được mở lại, có thể tự do hoạt động, đi ăn uống như trước hay không?

Điều này cũng khiến nhiều người sa sút cả tinh thần. Vẫn còn một “tin tốt” từ những người sáng lập trang “PayNowEatLater”, là một số khách mua Gutschein nhưng lại thường không đến lấy đồ ăn. Theo thống kê thì chỉ có khoảng 60% số Gutschein thật sự được sử dụng, vì thế có lẽ các quán hàng sẽ không quá “mất mát”!

Cẩm Chi


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày