Đáng nể cách làm bóng đá của người Đức

Bất ngờ khi chúng tôi đến với Frankfurt: biển báo nhà ga trung tâm Frankfurt có kèm dòng chữ 'Heimatstadt von Emre Can' (Quê hương của Emre Can). Trời ạ! Người ta đã nghĩ ra một cách tôn vinh cầu thủ đội nhà hết sức độc đáo: tiền vệ Emre Can là người Frankfurt.

1 Dang Ne Cach Lam Bong Da Cua Nguoi Duc

Frankfurt, quê hương của Emre Can (ảnh chụp tại nhà ga Frankfurt) - Ảnh: D.TRƯỜNG

Cùng một "thể thức" ấy, ở nhà ga Berlin là tên của trung vệ Antonio Rudiger; ở Greifswald là tiền vệ Toni Kross; còn ở Stuttgart thì chính là tiền vệ Jamal Musiala...

Và bất ngờ nối tiếp bất ngờ, từ cổng nhà ga bước vào phố chính, chúng tôi lại thấy một cột đèn giao thông: đèn đỏ là hình trọng tài đang giơ thẻ, còn đèn xanh là hình cầu thủ với trái bóng. Quả nhiên lợi hại, thật đáng nể cách làm bóng đá của những người làm bóng đá nơi đây.

Đại tiệc bên bờ sông Main

Sân vận động Waldstadion (tên mới nhất là Deutsche Bank Park Frankfurt) sẽ tổ chức tổng cộng năm trận đấu Euro 2024 (gồm bốn trận vòng bảng của các bảng A, C, E và một trận vòng 16 đội). Nhưng hấp dẫn nhất, thu hút nhất du khách và cổ động viên chính là "Fan Zone Mainufer" (Fan Zone bên bờ sông Main).

Gần 18h ngày 25-6, chúng tôi xuống xe buýt và đi bộ về phía chân một cây cầu không rõ tên. Tại đây đã có rào chắn ngăn xe hơi. Con đường Mainkai nối dài với UnterMainkai theo dọc bờ sông "nhận nhiệm vụ" làm nên một không gian của bóng đá, tính từ cây cầu sắt Eiserner Steg đến cây cầu mang tên Hòa Bình (Friedensbrucke).

Chiều dài Fan Zone là 1,4km với khoảng cách nửa tiếng đi bộ theo sức đi của... một người châu Á đã về hưu.

Mười màn hình lớn được dựng lên, có cái song song có cái vuông góc với dòng sông. Cổ động viên có thể đi dọc theo bờ sông hay từ tám con phố mà đổ vào.

Phần lớn người ta đứng xem, một số ngồi bệt xuống bãi cỏ. Còn những ai được ngồi trên ghế đều là ghế từ các hàng quán được bố trí khắp nơi.

Có đủ hàng quán bán đủ loại đồ ăn thức uống và đồ lưu niệm từ cờ, áo đấu, băng chữ đến móc chìa khóa kỷ niệm Euro 2024. Bia được rót vào từng cái ly nhựa có dòng chữ lưu niệm "Fan Zone Mainufer 2024". Tiền thế chân một cái ly là 3 đồng euro (bằng giá hai ly bia loại thường thường bậc trung của Đức).

Các đối tác chính thức của UEFA được dựng các gian hàng khổng lồ để quảng bá hình ảnh: nước ngọt Coca Cola, chuỗi siêu thị LIDL và có cả xe điện Trung Quốc BYD vừa nhảy vào mà đã gây sốc tại thị trường châu Âu...

Chưa kể Fan Zone còn là nơi diễn ra đầy ắp các hoạt động văn hóa đa dạng với sáu sân khấu dành cho âm nhạc, giải trí, thuyết trình và một rạp chiếu phim ngoài trời.

Ban tổ chức tận tâm và chu đáo sắp xếp nhà vệ sinh công cộng khắp nơi theo đội hình hàng ngang 30 cái, hay theo những khối năm sáu hàng dọc, mỗi hàng 5 - 6 cái. Đặc biệt, có quầy phát nước (miễn phí) vào chai, vào bình mà du khách mang theo để uống.

Đặc biệt hơn nữa, còn có những cột cung cấp tự động... kem chống nắng cho những ai thích nắng mà sợ nắng.

2 Dang Ne Cach Lam Bong Da Cua Nguoi Duc

Một gia đình Ba Lan chụp ảnh trước màn hình chính của Fan Zone Frankfurt, dưới chân cầu Friedensbrucke - Ảnh: D.Trường

Không bao giờ nhàm chán

Vào loạt trận thứ ba này, các đội cùng bảng phải đá cùng giờ. Nửa bên này là dãy các màn hình truyền hình trực tiếp trận Áo - Hà Lan. Còn phía bên kia, với màn hình chính được dựng "nhoài" ra dòng sông Main đầy nắng đầy gió, dành cho trận Pháp - Ba Lan.

Khi chúng tôi tìm được đến nơi thì hiệp 1 tại sân vận động Dortmud còn được 15 phút trước khi kết thúc không bàn thắng với hai thẻ vàng chia đều cho hai bên.

Cổ động viên hai nước giải lao trong... hòa bình dưới chân cầu Hòa Bình! Điều này thật có "ý nghĩa" khi nghe nói trước trận đấu với tuyển Ý (ngày 16-6), fan cuồng Albania đã lấy từng nắm mì spaghetti mà bẻ làm đôi, làm tư trước mặt "đối thủ"!

Lại nghe nói trước nguy cơ "chiến tranh" của trận Anh - Serbia (17-6), ban tổ chức quyết định chỉ bán cho mỗi fan... không quá hai ly bia Đức!

Lúc này tôi đọc thấy trên lưng áo các cổ động viên "đội tuyển tôi yêu" là những cái tên như Griezmann, Kante, Mbappe... đang có mặt tại Đức. Nhưng nhiều hơn hết vẫn là "huyền thoại" số 10 Zidane.

Sau trận cầu với Hà Lan phải vắng mặt vì chấn thương, lần này Mbappe tái xuất với mặt nạ bảo vệ chiếc mũi. Nghe nói ở Ba Lan có nhà thiết kế đã thiết kế một mặt nạ theo phong cách "Ninja rùa" như biệt danh của anh và hứa sẽ giao cho đội tuyển Ba Lan để "trao tặng tận tay" cho đương sự.

Không rõ chuyện này thực hư thế nào nhưng báo chí đã đưa tin khi bị Lewandoski vung tay vào mặt mình, Mbappe đã quăng vào mặt đối phương mấy chữ... chửi thề. Vấn đề là chàng thủ quân số 10 này dù có ghi bàn từ chấm phạt đền vào phút 56 vẫn không cứu vớt được một trận cầu đáng thất vọng của "những chú gà trống".

Tôi đứng sát hàng rào bên bờ sông, cạnh mấy gia đình người Pháp. Khi Giroud vừa vào sân thay người và bị đốn ngã, lập tức một cậu bé chừng 10 tuổi la lên thật to để đòi một "carton jaune" (thẻ vàng) cho đội mình.

Gia đình bé nhỏ này có lúc cùng hô vang nhiều lượt "Allez les Bleus" (Tiến lên các chàng trai áo xanh) khi quá sốt ruột với những gì diễn ra trên màn hình. Thỉnh thoảng giai điệu hùng tráng của bài "Marseillaise" (quốc ca Pháp) lại vang lên từ quanh tôi.

3 Dang Ne Cach Lam Bong Da Cua Nguoi Duc

Cổ động viên Pháp ăn mừng khi Mbappe ghi bàn từ chấm phạt đền - Ảnh: D.Trường

Nhưng sôi động hơn, máu lửa hơn lại chính là cổ động viên Ba Lan. Cao trào là một kịch tính hai màn. Màn 1 thuộc về xứ Pháp, lúc thủ môn Maignan cản phá được trái phạt đền. Màn 2 chỉ sau tích tắc, là khi Lewandoski thực hiện lại thành bàn quả phạt đền vào phút 79.

Khắp nơi là những tiếng gào to hai nhịp "Pol - ska" tiếp theo hai nhịp tiếng kèn, kiểu kèn Vuvuzela cắt ngắn, rồi hai nhịp vỗ tay. Đồng lòng, đồng thanh và to rõ lắm! Từ đó trở đi, "sân khấu chính" thuộc về sắc đỏ Ba Lan.

Trong nỗi buồn "Gà trống", chúng tôi chia tay Fan Zone vào phố để xem trận Anh - Slovenia "ca tối" 21h tại một nhà hàng trên... phố Wall (Wallstrasse). Thực khách nơi này ăn uống là chính, còn bóng đá trên màn hình chỉ là món phụ để "nhấm nháp" cùng rượu, cùng bia.

Riêng với tôi, những gương mặt tuyển Anh quen thuộc từ Giải ngoại hạng Anh hằng tuần lại có sức hấp dẫn hơn cả món rượu táo đi kèm với đùi heo kiểu Đức. Nhưng nói như ông bà ta "họa vô đơn chí", rốt cuộc lại phải gánh thêm nỗi buồn "Tam sư" với trận đấu nhạt nhòa không bàn thắng!

Chúng tôi rời nước Đức sau khi lượt trận thứ ba gây ra một thứ bất ngờ khác: có đến bảy trận hòa nhàm chán của những tên tuổi lớn: Đức suýt chết, Pháp mất điểm, Ý tìm được bàn thắng ở phút bù giờ cuối cùng, những Anh, Bỉ, Đan Mạch không ghi nổi một bàn thắng nào. Nhưng bóng đá thì không bao giờ nhàm chán.

Có hẳn một cái phà trên sông Main biến thành sân bóng đá mini cho các đội cổ động viên thi đấu, rất tưng bừng. Có những quầy e-sport phục vụ những người mê thể thao điện tử. Và có nhiều chỗ dành riêng cho trẻ con với đủ loại trò chơi với bóng hoặc không có bóng…

DUYÊN TRƯỜNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày