Chuyện một người Đức học Việt Nam học tại Hamburg

Từ nhỏ tôi đã mộng mơ đi thăm thú những nền văn hóa, văn minh cổ xưa và kỳ lạ. Vì sao tôi lại chọn Việt Nam? Có lẽ là vì tôi đã được nghe và đọc nhiều về lịch sử cận đại tang thương của Việt Nam, thấy hứng thú và muốn tìm hiểu thêm về con người và văn hóa nước này.

132 1 Chuyen Mot Nguoi Duc Hoc Viet Nam Hoc Tai Hamburg

Foto: Trưng bày tranh Đông Hồ ở Đại học Hamburg.

Năm 2012, tôi xin được làm tình nguyện viên ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy, ngay cửa Bà Lạt của sông Hồng, vùng nông thôn tỉnh Nam Định.

Dự án này được Chính phủ Đức tài trợ cho người trẻ Đức có cơ hội đi nước ngoài và ủng hộ giao lưu văn hóa giữa người Đức và Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tôi tới Việt Nam.

Sống gần một năm trong nhà khách của vườn quốc gia, tôi đã quen mỗi ngày học vài từ mới, dần dần biết nói vài câu tiếng Việt đơn giản, và làm quen với phong tục tập quán địa phương. Kể từ đó tôi quyết định học tiếng Việt một cách nghiêm túc và tiếp cận văn hóa Việt Nam từ góc nhìn nghiên cứu khoa học.

Sau khi về Đức, tôi chọn Đại học Hamburg để học chương trình ngôn ngữ và văn hóa Đông Nam Á, vì ở đây có phân khoa Việt Nam học cung cấp chương trình tập trung chuyên sâu về văn hóa, lịch sử và xã hội Việt Nam.

Trong bốn năm chương trình cử nhân, lớp tiếng Việt chiếm phần lớn thời gian, bên cạnh nhiều lớp về lịch sử, xã hội, chính trị, văn học... của các nước ASEAN.

Những sự kiện lịch sử như các cuộc chiến tranh Đông Dương, chế độ Khmer Đỏ, tình hình chính trị và lịch sử các cuộc đảo chính ở Thái Lan, và gần đây nhất là tình hình Myanmar... đều là những vấn đề quan trọng mà các giáo sư, giảng viên và sinh viên thảo luận trong các lớp học.

Ngoài ngôn ngữ và lịch sử khu vực, tôi còn được tiếp cận nhiều đề tài văn hóa đa dạng. Như trong văn học, tôi từng phân tích những dòng thơ táo bạo của Hồ Xuân Hương, học về hệ thống chính trị Mandala của các nước chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ, về Vua lửa, Vua nước của người Jarai Tây Nguyên, hiện tình địa chính trị Biển Đông, văn học trung đại thời Lê Sơ - Đại Việt, và còn biết bao đề tài thú vị nữa không thể kể xiết.

Tôi không nhớ rõ bao nhiêu người đã hỏi tôi “Học tiếng Việt làm gì?” và “Sau này sẽ làm việc gì?”.

Tôi đã quen với việc bị hỏi như thế. Đúng là triển vọng nghề nghiệp trong tương lai chưa rõ, nhưng theo tôi, yếu tố chính người ta có thể thành công trong bất kỳ việc gì mình làm là đam mê và động lực.

Tôi sẽ không khuyên ai học một ngành nhỏ như Việt Nam học, Hán học, Nhật Bản học, châu Phi học… nếu người đó không thực sự quan tâm và hứng thú.

Và thật ra cơ hội việc làm cũng khá đa dạng, nhất là nếu sinh viên biết kết hợp của những kỹ năng và kiến thức từ Việt Nam học với một ngành phụ khác như kinh tế, nếu muốn làm việc kinh doanh (ví dụ một công ty liên quan đến thương mại EU - Việt Nam hay EU - ASEAN); hay kết hợp xã hội học, lịch sử, Hán học… khi muốn học cao hơn và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu.

Sinh viên cũng có thể làm việc cho các tổ chức phi chính phủ - một lĩnh vực hết sức rộng lớn và đa dạng, đặc biệt khi liên quan đến Việt Nam và Đông Nam Á nói chung.

Ví dụ, họ có thể làm việc cho các quỹ chính trị xã hội như Friedrich-Ebert hay Heinrich-Böll ở Đức. Ngành truyền thông, báo chí hay giáo dục công cũng rất rộng mở, miễn là khả năng và kiến thức từ Việt Nam học có thể kết hợp một cách hợp lý.

Tôi cũng đang cân nhắc nhiều lựa chọn sau khi hoàn tất chương trình thạc sĩ Việt Nam học ở Đức.

JULIAN HÜSMANN


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày