Nguyễn Trọng Nghĩa cùng học thuở cấp II với tôi ở một xã duyên hải Hà Tĩnh, sang Đức làm nghề nhà hàng tại một thị trấn nhỏ cạnh thành phố Koblenz. Bỗng một hôm anh gọi thông báo rằng anh và các đồng nghiệp ở nhà hàng bị nhiễm virus corona.
Những cơn ho xé họng, những trận sốt liên tục trên 39oC, người mỏi nhức. Sở y tế của địa phương yêu cầu tất cả những người làm việc ở quán này cần cách ly tại nhà riêng để được theo dõi.
Mỗi ngày các nhân viên y tế gọi 2 – 3 cuộc để hỏi thăm và kiểm tra tình hình và diễn biến của các bệnh nhân qua cuộc gọi hình (video calls), cũng là một cách để giám sát người bệnh có ở nhà hay không, nếu không ở nhà sẽ bị phạt rất nặng theo luật. Lý do ra khỏi nhà duy nhất có thể được cho phép là đi chợ hoặc đi ra hiệu thuốc với đầy đủ khẩu trang bắt buộc.
Tiến sĩ Lê Đức Dũng – chuyên gia y tế của Bệnh viện Đại học Würzburg (CHLB Đức) – cho rằng những người bị bệnh bình thường thì không nhất thiết đến các bệnh viện dịp này vì làm tăng nguy cơ bị nhiễm COVID-19 và gây áp lực không cần thiết cho hệ thống y tế do môi trường bệnh viện là nơi dễ lây lan dịch bệnh nhất hiện nay.
Ở những khu cách ly hàng trăm người thì nguy cơ lây nhiễm cao hơn tự cách ly ở nhà do có khả năng lây chéo lẫn nhau. Thực tế ở nước Đức và các nước châu Âu khác cho thấy F1 và các F0 (có biểu hiện nhẹ) được phép cách ly tại nhà sẽ làm giảm tải cho hệ thống y tế, để nhường chỗ cho những ca nhiễm bệnh ở mức độ nặng.
Anh bạn tôi là nhà báo Võ Trung Dung, sinh sống và làm việc tại Paris (Pháp), cho biết anh và con gái đều từng dương tính. Con gái anh cách ly ở nhà và tự khỏi sau một thời gian. Anh ban đầu cũng cách ly ở nhà, sau đó triệu chứng nặng mới phải đến bệnh viện.
Theo anh, nếu không phải là trường hợp có triệu chứng lâm sàng cần chăm sóc đặc biệt, tự cách ly ở nhà có lợi rất nhiều mặt. Tuy nhiên, bất lợi là cần phòng riêng cho người cách ly.
Ở Việt Nam không phải nhà ai cũng có nhiều phòng. Tuy nhiên, theo anh, ngay cả chung phòng mà tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng cồn, ăn riêng, nhà mở thoáng không khí, tránh lây truyền qua dịch cơ thể (như nước bọt…) thì cũng tránh được khả năng lây bệnh.
Việc Chính phủ Việt Nam mới đây “bật đèn xanh” thí điểm cách ly tại nhà các ca F1 tại một số tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương là một bước tiến tích cực trong chiến lược phòng chống COVID-19. Điều này phù hợp về mặt khoa học quản trị sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời góp phần tiết kiệm các nguồn lực về kinh tế lẫn nhân lực cho công cuộc phòng chống dịch.
Điều rõ nhất có thể thấy là việc này góp phần làm giảm nguy cơ lan truyền dịch bệnh trong các khu cách ly tập trung, hệ thống y tế sẽ có cơ hội để tập trung điều trị các ca bệnh nặng, bảo toàn được năng lực phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này thay vì phải dàn trải lực lượng.
Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phòng chống dịch bệnh hiện nay của các nước trên thế giới. Do đó, với những sự chuẩn bị kỹ càng, việc áp dụng trên diện rộng chủ trương cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1, thậm chí F0 dạng nhẹ, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Hẳn nhiên là mỗi nước, mỗi thời điểm có thể áp dụng việc cách ly khác nhau, nhưng có thể nói việc cách ly F1 tại nhà với Việt Nam đã chín muồi. Chống dịch như chống giặc, nhất là khi đã có kinh nghiệm từ các nước thì việc triển khai càng thuận lợi hơn.
Trước đây nhiều địa phương ở Việt Nam có số ca nhiễm chưa nhiều thì có thể chưa tính đến việc cách ly F1 tại nhà, song với số ca tăng vọt ở nhiều nơi hiện nay, việc cách ly tại nhà là điều phải xem xét kỹ nhưng rõ ràng là rất cấp bách.
Nguồn: tuoitre.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC