Anh, Đức, Nhật, Mỹ đã có lương tối thiểu theo giờ, còn Việt Nam thì sao?

Trước đề xuất áp dụng lương tối thiểu theo giờ của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế và các chuyên gia tiền lương đã có những khuyến nghị khi lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam với những ví dụ ở Anh, Nhật Bản, Mỹ...

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tiền lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi làm việc trong một khoảng thời gian nhất định và không được giảm thấp hơn trong thỏa ước tập thể hay hợp đồng lao động. 

Khi mức tiền lương tối thiểu (theo giờ, ngày, tuần hay tháng) được xác lập, doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức này cần phải chịu các chế tài hay hình thức xử phạt theo pháp luật.

Các nước áp dụng lương tối thiểu theo giờ thế nào?

ILO dẫn chứng Anh, Đức, Nhật Bản và Mỹ chỉ công bố mức lương tối thiểu theo giờ, cho phép ước tính mức lương tối thiểu chính xác theo số giờ làm việc trong bất kỳ khoảng thời gian nào. Nhiều nước lại chỉ áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng như Campuchia, Chile và Ecuador.

Nhiều nước áp dụng nhiều hơn một loại tiền lương tối thiểu trên cơ sở thời gian để áp dụng linh hoạt trong thực tế. Argentina, Bỉ và Trung Quốc quy định mức tiền lương tối thiểu theo giờ và tháng, còn Úc áp dụng tiền lương tối thiểu quốc gia theo giờ và tuần. 

Malaysia, Nicaragua, Brazil, Indonesia và Ấn Độ áp dụng tiền lương tối thiểu theo giờ, ngày và tháng. Nam Phi lại quy định mức tiền lương tối thiểu theo giờ, tuần và tháng.

Theo ILO, hầu hết các nước có các mức lương tối thiểu khác nhau. Tuy nhiên, một số trường hợp có tiền lương tối thiểu theo giờ quy đổi cao hơn tương đối so với tiền lương tối thiểu theo tuần hay tháng. 

Về nguyên tắc, tiền lương tối thiểu theo giờ ước tính theo tỉ lệ tương ứng với tiền lương tối thiểu tháng để đảm bảo người lao động làm việc toàn thời gian và bán thời gian được đối xử bình đẳng. 

1 Anh Duc Nhat My Da Co Luong Toi Thieu Theo Gio Con Viet Nam Thi Sao

Tại Úc, Nam Phi, Trung Quốc, Seychelles, Mali và Malaysia, các nước này giới hạn số giờ làm việc hoặc ngày làm việc/tuần của việc làm bán thời gian so với số giờ làm việc toàn thời gian để tránh áp dụng lương tối thiểu giờ tràn lan và bất bình đẳng tiền lương.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Đánh giá cao khuyến nghị của ILO, một chuyên gia tiền lương của Bộ Lao động - thương binh và xã hội nhấn mạnh bên cạnh lương tối thiểu tháng, cần thiết phải có lương tối thiểu giờ để mở rộng độ bao phủ chính sách, bảo vệ tốt hơn cho người lao động, nhất là nhóm làm việc linh hoạt, bán thời gian như dọn nhà, pha chế tại quán cà phê... 

Ông Phạm Minh Huân, nguyên chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho rằng việc áp dụng lương tối thiểu giờ là hợp lý trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến một bộ phận người lao động dịch chuyển sang khu vực phi chính thức - nơi mà người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận tiền lương. 

Báo cáo của ILO chỉ ra có chưa đến 45% số người làm công ăn lương được thuê làm việc toàn thời gian và lâu dài, con số này thậm chí đang giảm dần.

Về triển khai áp dụng lương tối thiểu giờ, các chuyên gia và khuyến nghị của ILO gửi tới Tuổi Trẻ Online đều nhấn mạnh cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người lao động, doanh nghiệp hiểu rõ về phạm vi, đối tượng áp dụng, nêu bật vai trò của tổ chức đại diện của người sử dụng lao động và người lao động. 

Ngoài ra, cần có cơ chế khiếu nại - xử phạt, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động về các hành vi vi phạm thông qua mạng xã hội, tổng đài điện thoại miễn phí song song với thanh tra, kiểm tra thường xuyên.

Cũng theo ILO, tại nhiều nước, các công việc bán thời gian, tạm thời, giản đơn… không thuộc phạm vi điều chỉnh của các điều khoản quy định về thời giờ làm việc trong pháp luật lao động. Do đó, các cơ chế bảo vệ người lao động, như các quyền và chế độ được nghỉ ngơi đầy đủ, nghỉ phép hưởng lương, làm thêm giờ và các quyền lợi khác, bị hạn chế. 

Như vậy, tiền lương tối thiểu giờ sẽ tạo bình đẳng giữa người lao động làm việc toàn thời gian và bán thời gian.

Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1-7-2022. Theo tính toán, lương tối thiểu vùng I là 4,68 triệu, vùng II là 4,16 triệu, vùng III là 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên xây dựng lương tối thiểu theo giờ, dự kiến chia theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày