Một số lời khuyên cho các Bạn khi đi mua xe cũ ở Đức, bạn nên lưu ý những điều sau để khỏi mua "cục tức" về nhà.
Chỉ cần một nhấp chuột, một phím bấm, thoắt một cái “đồng hồ” lập tức chạy ngược. Nhờ các thiết bị được lập trình hiện đại, gian lận đồng hồ đếm cây số đã chạy của ô tô không còn là phù phép nữa.
Chỉ cần đủ kiến thức là có thể tự làm tại gia, nơi cất giữ xe.
Gian lận đồng hồ đếm cây số có thể tăng giá trị xe cũ lên cả ngàn EURO.
Câu lạc bộ ADAC ước tính thiệt hại hàng năm cho người tiêu dùng gần 6 tỷ Euro.
Với hơn 40 triệu xe hơi ở Đức, cảnh sát như lần mò trong bóng tối. Người bán quay ngược đồng hồ để tăng trị giá xe, còn người thuê xe để lái thì muốn đỡ bị phạt do chạy quá nhiều cây số.
Ngược lại người mua không chỉ chịu trả giá quá cao mà an toàn cũng có thể bị ảnh hưởng, nếu xe đã sử dụng nhiều mà không được kiểm tra định kỳ đúng hạn.
Mặc dù vấn đề được biết từ lâu, hiện vẫn thiếu biện pháp đối phó. Các câu lạc bộ xe hơi như ADAC và Auto Club Europa (ACE) yêu cầu nhà sản xuất ô tô đầu tư giải pháp kỹ thuật kiểm tra dưới dạng chíp máy tính.
Trên thực tế, số dặm đường từ lâu không chỉ lưu trữ trên đồng hồ tốc độ. Bộ phận điều khiển động cơ và chìa khóa xe cũng lưu lại chỉ số này. Muốn gian lận phải thay đổi tất cả dữ liệu, nếu không có thể bị lật tẩy.
Với tất cả xe hơi được nhập từ nước ngoài vào Đức vẫn còn là vấn đề khó giải quyết. Để kiểm soát gian lận đồng hồ trong việc buôn bán xe xuyên quốc gia phải có giải pháp gài thẳng vào bộ phận xe.
Hiện tại, người mua xe cũ đành tự quyết định có nên tin hay không.
10 mẹo khi mua xe cũ
- Yêu cầu giấy chứng nhận chỉ số trên đồng hồ đúng với mức cây số xe đã sử dụng.
- Yêu cầu ghi trong hợp đồng “tatsächliche Laufleistung” (số cây số thực sự xe đã chạy).
- Xem sổ bảo trì (Serviceheft), khoảng cách thời gian các cuộc kiểm tra định kỳ và số cây số có ăn khớp, hợp lý không.
- Nếu cần, gọi điện thoại hỏi hãng sửa chữa xe về chi tiết cuộc kiểm tra định kỳ.
- Yêu cầu được xem hóa đơn cuối cùng của hãng sửa chữa xe cũng như tất cả giấy tờ kiểm tra định kỳ TÜV.
- Hãng sửa chữa xe có thể đọc dữ liệu lưu trữ về khoảng cách thời gian giữa những lần kiểm tra định kỳ.
- Có thể kiểm tra tình trạng xe cũ qua TÜV hay Dekra.
- Đôi khi cũng nên mở nắp ca pô xe, xem nhãn dán ghi ngày thay dầu nhớt, thay dây cua-roa, có thể nhận ra gian lận.
- Mở nắp ca pô xem nhãn dán ghi ngày kiểm tra định kỳ xe vì thợ sửa có ghi lại số cây số trên đó.
- Trực tiếp nói chuyện với chủ xe cũ để giải đáp thắc mắc.
Và điều thêm nữa, không kém phần giúp bạn có quyết định chính xác: Nếu nghi ngờ có gian lận, Bạn nên tránh không mua nữa.
Đức Duy - Tạp chí NƯỚC ĐỨC
© 2024 | Thời báo ĐỨC