Đây là những mẹo nhỏ học nghe của riêng tớ, muốn chia sẻ với mọi người. Lúc ý luyện thì cứ luyện thôi, luyện nghe là cả một quá trình, không phải hôm nay nghe cả ngày mà mai đã đòi giỏi được luôn. Phải sau một thời gian kiên trì được, rồi bạn mới ngạc nhiên kết quả của mình.
I. Tại sao bạn nghe tiếng Đức chưa giỏi?
Đã bao giờ bạn tự thắc mắc là sao mình nghe tiếng Đức chưa giỏi? Khoan hãy trả lời câu đó vội, các bạn hãy thử trả lời các câu hỏi dưới đây đã nhé:
- Vốn từ mới của các bạn có nhiều không? Đã học từ mới và phát âm đúng cách chưa?
- Các bạn có nghe nhiều ko? Và biết cách nghe đúng cách chưa?
- Các bạn có tập trung khi nghe ko?
- Các bạn có kiên nhẫn ko?
Nếu câu trả lời của bạn đều là “có” hoặc “rồi” thì tớ chịu, chăm chỉ, kiên trì như thế rồi mà chưa giỏi thì chỉ trách bạn không có duyên với tiếng Đức thôi. Học cái khác đi!
Còn nếu mà có len lỏi các câu hỏi “không” với “chưa” trong đó, thì chịu khó dành ra 05 -10 phút đọc bài tâm huyết này của tớ nhé. Hi vọng sẽ giúp các bạn.
II. Làm thế nào để luyện nghe tiếng Đức thật giỏi?
Bài viết của tớ chia làm hai phần. Phần đầu dài dòng một tý để cho các bạn có thêm động lực luyện nghe. Phần hai đi vào các phương pháp luyện nghe của tớ.
1. Muốn học tiếng Đức, hãy kiên trì!
Thôi tớ bắt đầu. Đầu tiên muốn nhấn mạnh một điều rằng, muốn nghe các bạn phải thật kiên trì.
Tưởng tưởng thế này nhé, học một ngoại ngữ mới giống như một đứa trẻ con học nghe nói, đều bắt đầu từ con số 0. Những bạn nào nhà có trẻ nhỏ chắc rõ hơn ai hết, là khi bắt đầu bập bẹ, bọn nhóc chỉ nói được “baba” với “mama“, sau đó mới thêm được vài từ “không” với “có” rồi nói được câu ngắn hai, ba chữ rồi bốn, năm chữ dần dần. Lúc ý nghe bọn nhóc cũng chả hiểu gì đâu. Chỉ bắt chữ như các bạn mới học ngoại ngữ bắt chữ ý.
Nghe loáng thoáng được vài ba từ rồi làm theo. Khi bảo “nào, măm măm” thì bọn nhóc ăn, “xixi” thì bọn nó tè. Rồi nói những câu vô nghĩa và bắt chước.
Kiểu như hỏi: “Dì Mai xấu hay xinh“.
Thảo My(cháu tớ) sẽ trả lời: “xinh“, còn nếu hỏi “dì Mai xinh hay xấu” thì nhóc sẽ trả lời là “xấu”.
Học tiếng Đức như một đứa trẻ!
Bọn nhóc chả hiểu gì nhiều đâu. Nó nghe được âm cuối là từ nào thì nó bắt chước theo vậy thôi. Cứ sau từng ngày từng tháng bọn nhỏ lại nói được thêm, rồi phải đến năm ba tuổi bọn nhóc mới bắt đầu chính thức nói ra những câu dần có nghĩa và chính bọn nó cũng hiểu. Nhưng lúc ý vẫn chưa hoàn toàn đúng ngữ pháp và câu chuẩn theo người lớn.
Cứ thế rồi bốn, năm tuổi nói véo von, nịnh nọt, nhưng nhiều khi bọn nhóc chưa rõ hẳn ý nghĩa của câu, chưa thêm được nhiều cảm xúc vào. Rồi sáu tuổi đi học lớp một mới gần như là nghe nói hoàn chỉnh.
Đấy các bạn thấy không, bọn nhóc bắt đầu từ con số 0, sau sáu năm mới nghe nói được hoàn chính, đấy là còn được luyện suốt, có môi trường xung quan toàn nói cái ngôn ngữ của nó. Vậy các bạn mới học được hai, ba tháng hay một, hai năm thì cũng chưa nói lên được điều gì. Chưa thể trách mình dốt thế hay tuyệt vọng bản thân được.
2. Không cần phải nghe từng chữ!
À mà các bạn đừng kì vọng quá vào việc nghe phải rõ từng chữ từng chữ một nhé. Kiểu mong muốn nghe như một người Đức ý. Điều ý là rất khó nhé. Nên khi các bạn nghe đoạn hội thoại của họ, mà các bạn hiểu được 80 – 90% là các bạn đã xuất sắc lắm rồi.
Các bạn tóm được ý và hiều được tổng quát cuộc nói chuyện là các bạn đã thành công rồi, chứ đừng kì vọng hay buồn tủi vì không nghe được hết từng từ một. Nêu ra một ví dụ cho các bạn đừng quá thất vọng vào bản thân.
Thầy giáo tiếng Đức có nghe được nhạc Rap hay không?
Tớ đã từng là sinh viên đại học Hà Nội khoa tiếng Đức, lúc ý trong lớp tớ mở một bài rap tiếng Đức. Bọn tớ ngồi nghe chả hiểu gì, bắt được có vài từ. Quay sang nhau lắc đầu nhìn nhau ngán ngẩm. Đúng lúc thầy giáo tớ vào(nói chung các thầy cô giáo trường tớ đều phải có bằng thạc sĩ, và sống ở bên Đức cũng khá lâu rồi, toàn là những người mà tớ rất ngưỡng mộ) và thế là hỏi thầy bài hát nói gì, thầy nghe được hết không? Thầy lắc đầu cười nói: “thầy chịu”.
Thế là từ lúc ý, tớ mới hết ảo tưởng mong một ngày trở thành người Đức chính gốc (ý là nghe nói đọc viết alles ist Ok ý).
Người Đức thi tiếng Đức có được điểm tuyệt đối không?
Hoặc là một đứa bạn tớ, sinh ra và sống ở bên Đức đến năm lớp 07 nó mới về Việt Nam. Nói chung tiếng Đức của nó là tiếng mẹ đẻ rồi, tiếng Việt giờ nó còn nói chưa sõi. Hồi học đại học cùng nó, đi thi A1, A2, B1 thì nghe của nó đều 10 hết. Chuyện đó cũng bình thường thôi. Nhưng bắt đầu khi nghe B2, C1 điểm nghe của nó mới bắt đầu lung lay, các bài kiểm tra toàn 08, 09. Tuy nhiên là 08, 09 là cao rồi. Nhưng ý của tớ muốn nói ở đây là nó cũng chưa nghe và đúng hết những gì người ta nói, cũng có thể do nó mất tập trung khi nghe. Nên các bạn đừng buồn nếu nghe của mình chỉ được 08, 09 nhé.
Dài dòng từ nãy đến giờ để muốn nói cho mọi người biết là đừng tuyệt vọng khi luyện nghe. Dưới đây là một vài cách luyện nghe của tớ, tớ đã thử và khá thành công rồi nhé. Thành công này không nhìn thấy được luôn, mà phải sau một thời gian mới ngỡ ngàng nhận ra.
3. Chuẩn bị vốn từ vựng tiếng Đức thật tốt!
Các bạn muốn nghe tốt, mà ngay cả đọc viết nói tốt, thì các bạn phải chuẩn bị cho mình vốn từ vựng tốt và phong phú. Học từ vựng rất quan trọng. Nhưng các bạn đừng học kiểu nhìn mặt chữ học thuộc không thôi nhé. Cố gắng kết hợp với luyện nghe từ đó cho chuẩn và phát âm ra cho chuẩn. Bởi phát âm đúng, nói đúng thì mới nghe đúng và hiểu được. Các bạn phát âm sai từ đó, thì sẽ dẫn đến nghe chả hiểu gì cả.
Tớ tên là Mai, nhưng các bạn phát âm sai tên tớ là “Mia” chẳng hạn, trong tiềm thức của các bạn tớ luôn là “Mia”. Vậy khi có một bạn khác gọi tớ là “Mai ơi”, các bạn sẽ chẳng hiểu bạn ý đang gọi ai, bởi vì các bạn đinh ninh tớ là “Mia”.
Chính vì thế việc phát âm sai dẫn đến nghe sai và chẳng hiểu người kia nói gì cả. Vì vậy các bạn đang trong trình độ A1, A2, đang học các từ nhỏ lẻ, đừng coi thường việc luyện nghe nhé, các bạn không cố gắng thì nghe B1 sẽ ngủ mất.
À, việc luyện phát âm kèm nghe luôn sẽ giúp ích cho quá trình luyện phản xạ của bạn đó. Thử hỏi mấy cái từ dùng nhiều như “hallo” hay “danke” các bạn nghe xong là xong, có bao giờ phải dịch nữa không? Các bạn nghe quen tai và đã nói quen mồm rồi nên thế đó.
4. Nghe vượt cấp!
Có một mẹo nhỏ để học nghe của riêng tớ thế này. Khi đã có một vốn từ mới nhất định, thì tớ thường nghe trình độ cao hơn(Áp dụng cho các bạn từ A2 trở lên). Khi tớ học A2 thì tớ luyện nghe tiếng Đức B1, khi học B1 tớ luyện nghe tiếng Đức B2. Còn khi học B2 tớ luyện nghe C1.
Lúc mới đầu nghe thì không hiểu gì nhiều đâu. Nhưng khi đang nghe B2 quen tai rồi, ý tớ là quen cái nhịp nhanh của họ ý, thì xuống nghe B1 thấy người ta nói rất là chậm rãi. Rồi bắt được nhiều từ hơn và hiểu nhiều hơn này. Các bạn thử cách này của tớ xem. Rồi nếu thành công thì để lại review cho tớ nhé.
5. Luyện nghe tiếng Đức trước khi ngủ!
Quan trọng các bạn phải kiên trì nhé. Tớ có cách học thế này, và dần thành thói quen luôn rồi đó.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, tớ thường bật tiếng Đức lên nghe. Cứ nghe thôi, ngủ quên thì ngủ. Cái điện thoại lần trước của tớ còn có cái chế độ hẹn 30 phút rồi tắt, nhưng điện thoại hỏng rồi, chứ tớ thấy như thế khá hay. Bây giờ trước khi đi ngủ, tớ bật nghe, sau đó đặt chuông báo thức một tiếng sau, để nếu ngủ quên thì dạy tắt bài đi. Cứ thế sau dần nghe quen.
Có những hôm vừa nằm xuống bật nghe chưa nghe xong một bài hai phút đã ngủ rồi, kệ thôi. Tớ vẫn cứ bật như thế. Lâu dần thành quen. Giờ thành ra thích nghe tiếng Đức lắm ý, nghe nhiều các bài còn thuộc lòng cả ra ý.
6. Học tiếng Đức online miễn phí qua youtube
Rảnh rỗi tớ lên youtube xem các video của Đức, rõ hay mà mở mang kiến thức thêm bao nhiêu. Luyện nghe tiếng Đức có phụ đề các bạn nhé. Tớ xem xong còn tỉ mẩn tra đi tra lại từ để hiểu những câu người ta hay dùng. Những câu giao tiếp hay hay ý, thì mình cứ bắt chước mà học thuộc thôi. Dùng lâu dần thành quen miệng.
Thi thoảng tớ xem hoạt hình, nghe nhạc Đức. Nói chung qua nghe người ta nói cũng mở mang được vốn từ của mình lắm đấy. Tốt cho cả kĩ năng nói đọc viết. Mà như đã nói, khi các bạn không nghe được hết các từ thì đừng nên nản nhé. Nghe được nội dung ý của nó là các bạn đã giỏi rồi đó.
Các bạn cố gắng bắt từ, đặc biệt là động từ, để còn nghe được loáng thoáng nhưng vẫn đoán được ý của bài. Còn biết đó là yêu, ghét hay giận hờn nhớ nhung.
7. Luyện trí nhớ và tập trung khi nghe tiếng Đức
Và cuối cùng các bạn nên luyện tập trí nhớ và tập trung nhé. Vì khi nghe một đoạn nói bằng tiếng Việt, mà các bạn không tập trung hoặc không có khả năng ghi nhớ, thì các bạn cũng đã chả hiểu người ta nói gì rồi. Nói câu sau quên câu trước.
Kể câu chuyện nàng bạch tuyết và bảy chú lùn. Ban đầu kể bà hoàng hậu độc ác tìm cách giết bạch tuyết ở trong rừng nhưng không thành, rồi abc, xyz, sau đó bà ta lấy quả táo xanh đỏ cho bạch tuyết ăn. Bây giờ tự dưng nghe đến đấy rồi ngẩng lên hỏi: “bà ta ở đây là ai thế, tự nhiên lại đưa táo cho bạch tuyết ăn”.
Các bạn cứ nghe đến đâu sau quên đến đó thì cũng không được cái gì cả. Đặc biệt lưu ý khi các bạn luyện nghe B1, B2, C1 nhé.
8. Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn!
Trên đây là những mẹo nhỏ học nghe của riêng tớ, muốn chia sẻ với mọi người. Lúc ý luyện thì cứ luyện thôi, luyện nghe là cả một quá trình, không phải hôm nay nghe cả ngày mà mai đã đòi giỏi được luôn. Phải sau một thời gian kiên trì được, rồi bạn mới ngạc nhiên kết quả của mình.
Như tớ, tớ cứ luyện rồi nghe thôi, rồi sau khi bất chợt nghe một bài text, hoặc nói chuyện với một người Đức, tớ mới thấy ơ mình hiểu hết này, không phải lúc nào cũng trọn vẹn được tất cả các từ nhưng nội dung và đại ý thì có vẻ cũng ok, à mà đấy là họ nói bình thường thôi nhé chứ nói kiểu như hai người Đức tâm sự với nhau thì nhanh lắm, bắt được ý nào thì bắt thôi.
Viel Spaß! Viel Erfolg!
Chia sẻ: Ngọc Mai
© 2024 | Thời báo ĐỨC