Foto: Đức hiện đứng thứ 3 trong 10 quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới (trung bình 95,95 lít/người/năm). Ảnh: merkur.de
Dù các nhà khoa học đã cảnh báo các đồ uống có cồn còn nguy hiểm hơn các loại chất như cần sa, việc uống bia sau một ngày làm việc vẫn là một phần văn hóa ở Đức. Nhưng nhờ có hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ, các chiến dịch quảng cáo, tuyên truyền cộng đồng, ngày càng nhiều người, nhất là giới trẻ ý thức được nguy cơ về sức khỏe và có khuynh hướng giới hạn mức độ uống.
Luật pháp Đức quy định chặt chẽ độ tuổi hợp pháp để được uống rượu bia và người sử dụng rượu bia quá mức quy định sẽ bị xử phạt rất nặng khi lái xe. Luật cũng có những quy định chặt chẽ trong quảng báo buôn bán bia rượu và mức thuế áp dụng…
Tuy nhiên, cũng có một số đánh giá cho rằng những quy định ở Đức chưa thực sự nghiêm khắc như các nước khác trong châu Âu. Tại Đức, người ta vẫn có thể uống bất cứ khi nào và bất cứ chỗ nào ở nơi cộng cộng - một thói quen uống bia rượu khá giống Việt Nam, nhưng ngược với Ba Lan, nơi người dân vốn không thể uống bia mà đi ngoài đường.
Theo số liệu thống kê được công bố vào tháng 1/2018 do một công ty phân tích hàng đầu trên mạng (có trụ sở ở Đức) thực hiện, Đức hiện đứng thứ 3 trong 10 quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới (trung bình 95,95 lít/người/năm).
Số liệu thống kê từ các tờ báo, phương tiện truyền thống khác chỉ ra rằng thanh thiếu niên ở Đức sử dụng rượu lần đầu tiên khi bắt đầu qua tuổi 16, trung bình là 16,4 tuổi và đã tăng đều đặn trong 10 năm qua. Rượu là thức uống rất phổ biến ở Đức và được tiêu thụ ở mức phù hợp. Thống kê cho thấy năm 2015, trung bình mỗi người Đức tiêu thụ 9,6 lít rượu; trong khi mức sử dụng trung bình toàn bộ các loại đồ uống có cồn là 135,5 lít/người.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ bình quân đầu người này tính bao gồm cả trẻ em. Chỉ tính riêng số người có độ tuổi từ 15 - 65 tuổi, mỗi người Đức thậm chí còn uống tới 14,6 lít rượu nguyên chất. Về tỷ lệ các loại đồ uống có cồn được tiêu thụ, trung bình mỗi người dân Đức uống 105,9 lít bia, 20,5 lít rượu vang, 5,4 lít rượu mạnh và 3,7 lít rượu vang sủi.
Trong khi đó, 70% số người trong độ tuổi từ 16-21 chỉ thỉnh thoảng sử dụng rượu hoặc không bao giờ uống. Ước tính khoảng 2,6 triệu trẻ em và thanh thiếu niên lớn lên trong các gia đình có ít nhất một phụ huynh sử dụng đồ uống có cồn.
Ước tính mỗi ngày có khảng 202 người tử vong do tiêu thụ rượu nguy hiểm - thường kết hợp với nguy cơ từ việc hút thuốc. Do đó, mỗi năm có khoảng 74.000 ca tử vong có liên quan đến sử dụng rượu bia, không tính số người chết do tai nạn do sử dụng rượu bia quá nhiều.
Thanh Bình (P/v TTXVN tại CHLB Đức)
© 2024 | Thời báo ĐỨC