Bức ảnh này được chị Hà chụp trên đường từ Munich, Đức sang Feldkirch, Áo. Ảnh: NVCC
Với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thời điểm nên đi là tháng 3 và 9 vì thời tiết mát mẻ. Hà Lan là cuối tháng 3 đến đầu tháng 5 – thời điểm vườn hoa Keukenhof nở rộ. Bạn nên đến Pháp vào tháng 7, tháng của hoa oải hương tím ngắt đến cuối chân trời. Với Italy, bạn nên tránh mùa hè đến khoảng tầm tháng 11. Mùa đẹp nhất đến thăm Bắc Âu là tháng 8-10, khi đó có thể “săn” cực quang. Các nước như Đức, Áo, Thụy Sĩ, CH Czech, Hungary… bạn nên đến từ tháng 9 đến đầu tháng 12 để ngắm lá vàng mùa thu và tham gia chợ Giáng sinh. Nếu muốn đi Anh, tháng 7-8 là thời gian thích hợp vì ngày dài, hơn 22h trời vẫn sáng và là mùa dâu, cherry…
Nên đặt phòng khách sạn qua đâu? Ở châu Âu, khách sạn 2-3 sao có vị trí đẹp thường đắt hơn khách sạn 4-5 sao ở xa trung tâm. Đặt khách sạn ở xa giá rẻ hơn, nhưng mất thời gian di chuyển và chi phí đi lại. Thêm nữa vào buổi tối, những nơi ở ngoại ô thường buồn. Do vậy, tôi thường chọn các khách sạn ở gần trung tâm.
Một góc phố nhỏ vùng Andalucia, Tây Ban Nha dưới ống kính nữ du khách Việt. Theo quan điểm của chị Hà, đi tour châu Âu 8-10 ngày mà đi nhiều nước là một điều lãng phí, vì bạn chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, thay vì khám phá được kỹ càng. Ảnh: NVCC
Có rất nhiều trang web đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ. Tuy nhiên, để tránh tình trạng mất cắp, lộn xộn hay thiếu an toàn, tôi chọn các khách sạn thuộc tập đoàn Accor quản lý. Đây là hệ thống khách sạn có khắp châu Âu, với các cơ sở lưu trú từ bình dân đến cao cấp. Điểm thuận lợi ở các khách sạn này là thường gần trạm xe bus, tàu điện và phần lớn nằm ở trung tâm, phố cổ. Các khách sạn giá rẻ phòng tuy nhỏ nhưng gọn gàng, ấm áp, dịch vụ tốt, tiện ích vừa đủ. Chỉ khi nào giá phòng quá đắt, tôi mới chuyển sang các khách sạn địa phương. Tuy nhiên, tôi cũng chọn những nơi uy tín.
Các bước đặt phòng khách sạn thế nào? Việc đặt khách sạn là công việc tốn nhiều thời gian, vì nó quyết định phần lớn chất lượng chuyến đi.
Bước một: Tôi chọn phòng khách sạn trên Booking, liệt kê ra những nơi phù hợp, ưng ý.
Bước hai: Xem hình ảnh và nhận xét trên TripAdvisor. Tôi quan tâm đến số lượng bình luận, địa điểm có đẹp không, có thang máy không, có ồn ào không, ăn sáng ra sao? Sau đó, tôi chọn ra khách sạn mình ưng ý nhất.
Bước ba: So sánh giá cùng một khách sạn trên nhiều trang web.
Một tip khi đi du lịch mà tôi thường áp dụng là đặt khách sạn tại một thành phố cố định. Ban ngày đi tour tới các thành phố khác xung quanh, tối lại quay về thành phố đặt khách sạn để ngủ. Điều này giúp tôi tiết kiệm thời gian, sức lực vì không phải liên tục check-in và check-out khách sạn.
Với những gia đình đi dài ngày, trời lạnh thì sẽ mang nhiều đồ. Mỗi lần như thế đóng gói hành lý rất mất công. Ví dụ như bạn đặt phòng ở Salzburg, Áo thì sẽ đi các địa điểm gần đó như Hallstatt và Innsbruck; ở Malaga, Tây Ban Nha thì đi tour Granada, ở Dusseldorf thì đi Bonn và Cologne, ở Lisbon thì đi Sitra và Fatima, ở Florence đi tour Tuscany, ở Bristol đi Bath và Wales…
Một góc nhỏ nước Anh dưới ống kính của chị Hà. Đây cũng là quốc gia châu Âu chị muốn quay lại nhất, vì đây là vùng đất của Nữ Hoàng, Harry Potter, Alice ở xứ sở thần tiên và James Bond. Ảnh: NVCC
Nên lựa chọn phương tiện nào để di chuyển? Khi chọn phương tiện di chuyển, tôi luôn chọn hành trình ngắn nhất, tiết kiệm thời gian nhất. Ví dụ nếu đi lại giữa các nước, tôi chọn tàu. Với những hành trình 5-6 tiếng, tôi chọn tàu đêm để tiết kiệm thời gian. Chỉ khi nào không có tàu, tôi mới chọn xe buýt vì đi xe buýt lâu mà thời gian đi du lịch châu Âu là vàng bạc. Tôi ít đi máy bay vì thời gian làm thủ tục lâu, bị hạn chế nhiều về số lượng hành lý.
Tàu điện ngầm ở mỗi nước có một biểu tượng khác nhau. Tại Anh, người ta gọi là Tube, biểu tượng là chữ Underground; Pháp gọi là Metro, biểu tượng chữ M màu vàng; Đức – Áo là Ubahn, biểu tượng là chữ U; Italy cũng gọi là Metro nhưng biểu tượng là chữ M màu đỏ… Bạn nên nhớ mấy biểu tượng này để tìm trạm lên xuống cho dễ.
Tôi thường đặt vé qua trang Trailine. Tại một số nước như Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha, chi phải đặt qua trang của riêng nước họ như Renfe, Acprail hay Italiatren. Nhiều khi vừa đặt tôi phải vừa Google dịch, vì tên các thành phố theo tiếng của nước họ khác hẳn với tên tiếng Anh. Có những lần tôi gõ tên tiếng Anh vào tìm mãi không thấy.
Các nước đều có giá vé tăng, giảm theo giờ cao, thấp điểm. Khi bạn tìm kiếm mua vé nhiều lần nhưng không đặt, thì khi bạn vào lại chuyến đó giá sẽ bị đẩy cao hơn. Do vậy, mẹo của tôi ở đây là đợi đến ngày hôm sau vào lại để mua được lại giá ban đầu rẻ hơn. Bạn không nên thấy giá tăng là vội mua, vì như thế sẽ bị thiệt.
Khi di chuyển trong thành phố, tôi chọn đi bộ, tàu điện ngầm hoặc xe buýt. Điểm trừ của đi xe buýt là thường bị xuống nhầm trạm vì nhiều thành phố không báo trạm dừng là trạm nào. Nhưng đổi lại, đi xe buýt tôi có cơ hội ngắm thành phố, và giá vé rẻ hơn là bạn đi hop on – hop off. Nếu bạn lỡ qua trạm thì cứ xuống rồi đi ngược lại.
Đưa đón sân bay, tôi chọn dịch vụ shared limousine pick up. Dịch vụ này đúng giờ, an toàn, nhanh và giá cả phải chăng, hành lý để thoải mái. Tôi đã sử dụng dịch vụ này tại Rome (Italy) và CH Czech.
Một mẹo khác là chọn giờ mua vé để di chuyển. Lần đầu đi châu Âu, tôi đặt vé sau khi trả phòng 1-2 tiếng. Sau đó tôi phát hiện vào ngày trả phòng, chúng tôi không thể đi đâu được vì sáng dậy ăn sáng, trả phòng là gần đến giờ lên tàu. Khi di chuyển đến thành phố khác cũng là chiều tối, nhận phòng, ăn uống xong là đã muộn, không có nhiều thời gian đi chơi. Các chuyến sau, tôi rút kinh nghiệm khi mua vé tàu vào 19h30-20h30. Sau khi ăn sáng, trả phòng chúng tôi gửi hành lý ở khách sạn rồi đi chơi, tận hưởng thêm nửa ngày để tham quan thành phố. Buổi sáng nhờ thế cũng được ngủ thoải mái hơn, nên cả ngày di chuyển không bị mệt. Đây cũng là một trong những lý do tôi thường đặt khách sạn gần ga tàu, tiện đi lại.
Đi ra ga tàu hay trạm buýt, bạn nên dành ra vài tiếng trước giờ khởi hành. Vì nhiều ga tàu rất rộng. Ở Tây Ban Nha, ga tàu còn soát vé và soi chiếu hành lý như sân bay. Tôi từng mất một tiếng đi vòng quanh ga Novella ở Florence do Google map chỉ sai đường. Ở ga trung tâm, bạn ra sớm có thể tranh thủ mua sắm, ăn uống và chụp ảnh “sống ảo” vì nhiều ga có kiến trúc đẹp.
Tôi thường đặt khách sạn, vé tàu trước hai tháng. Vé tàu đặt sát ngày đi có khi chênh lệch giá lên đến hàng trăm euro và vô tình mình bị mất tiền oan.
Ăn gì và chơi đâu? Tôi dùng app Visit a City. Sau đó, tôi chọn thành phố mình muốn đi và app sẽ gợi ý cho mình lịch trình 1-5 ngày, gồm các địa điểm cần đi, thời gian, bản đồ di chuyển… Sau khi xem các tour gợi ý, tôi sẽ so sánh thêm giá ở các app khác, rồi chọn tour ưng ý nhất để đặt.
Châu Âu chỗ nào cũng đẹp, càng vào các hẻm ngóc ngách càng thấy đẹp hơn. Tôi thích len lỏi vào các con ngõ hẹp, đường dốc, lát sỏi đá sạch sẽ với hai bên đường là các cửa hàng lưu niệm, quán kem, thi thoảng lại có nhà thờ cổ nhỏ xinh.
Ở châu Âu thì các công trình kiến trúc thường giống nhau như lâu đài, bảo tàng, nhà thờ, công viên. Do đó, nếu đến thành phố nào bạn cũng đi bằng đó địa điểm thì sẽ bị trùng lặp. Mẹo của tôi là chọn điểm nổi tiếng nhất. Ví dụ như nếu tôi đã ghé thăm bảo tàng Louvre của Paris rồi thì qua Amsterdam, tôi không đến bảo tàng nữa. Nếu tôi ghé thăm thủy cung ở Valencia thì khi tới Barcelona, tôi sẽ bỏ qua nơi này. Tuy nhiên, tôi đều ghé thăm mọi khu phố cổ, vì nơi này rất đẹp.
Tôi quan điểm đi du lịch là để tham quan, khám phá, nên không quá chú trọng việc ăn uống. Tôi cũng thường ghé thăm các siêu thị ở châu Âu để mua thực phẩm, trái cây tươi.
Nguồn: Lê Hà
VnExpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC