31/10 với người Mỹ là dịp ăn kẹo thỏa thích và hóa trang tưng bừng. Và những nước hưởng ứng Halloween theo văn hóa Mỹ cũng thế.
Nhưng bạn có biết, có những nền văn hóa khác mà ngày lễ Halloween rất khác biệt, được kỉ niệm bằng nhiều hoạt động cực kì thú vị.
Ireland: tiệc tùng và nổi lửa để dọa linh hồn xấu xa
Halloween là một dịp lễ quan trọng ở Ireland. Theo truyền thống, người dân gọi nó là ngày “Samhain”, nghĩa là “kết thúc mùa hè”. Họ tin rằng vào ngày này các linh hồn sẽ quay về dương thế, bao gồm cả linh hồn thiện lẫn ác.
Để xua đuổi ác linh, người Ireland nổi lửa trong sân nhà và hóa trang cho thật rùng rợn, mang tính hù dọa! Truyền thống đó vẫn tiếp tục đến nay. Ngoài ra, trong đêm Samhain hay Halloween, các gia đình còn cùng nhau ăn “colcannon” – món ắp cải và khoai tây nghiền chung với nhau.
Anh: tắt đèn, đóng cửa vì lí do “bá đạo”
Theo trang history-uk.com, trò “cho kẹo hay bị ghẹo” ở nước Anh là hoàn toàn du nhập từ Mỹ về. Nó rất thú vị với trẻ nhó và giới thanh niên, nhưng những người từ 30, 40 tuổi trở lên thì không thích lắm.
Một khảo sát vào năm 2006 cho thấy một nửa hộ dân ở Anh từng tắt đèn, đóng cửa vào đêm Halloween. Không phải muốn hù dọa ai, họ chỉ hy vọng những đứa trẻ đi xin kẹo sẽ tưởng không có ai ở nhà rồi kéo đi chỗ khác!
Đức: người theo truyền thống thì ăn kẹo ngô, giới trẻ chỉ thích “quẩy”
Tương tự như người Anh thì người Đức không mặn mà lắm với Halloween. Một số gia đình sẽ cử kiêng không đụng vào dao kéo vào ngày này, vì sợ ma quỷ sẽ “hiện hồn” khiến họ bị đứt tay chảy máu, tuy nhiên niềm tin này giờ không còn phổ biến.
Vào Halloween ở Đức, các gia đình sẽ cùng nhau ăn kẹo ngô – loại kẹo do người Đức nghĩ ra, cụ thể là từ công ty Goelitz Confectionery vào những năm 1880.
Halloween ở Đức còn được cư dân mạng gọi là “Ngày cả nước ăn kẹo ngô”!
Món kẹo này sau đó luôn có mặt trên bàn tiệc Halloween khắp thế giới và gây tranh cãi khủng khiếp, người khen ngon kẻ bảo dở tệ. Dù sao, giới trẻ Đức hầu như xem Halloween là 1 dịp để quẩy và rủ nhau đi chơi.
Cộng hòa Séc: ngày lễ Halloween buồn thương, thắp nến ngoài nghĩa địa
Truyền thống Séc có ngày lễ “Dusicky”, nghĩa là “Những linh hồn nhỏ bé” diễn ra vào 2/11, tức 2 ngày sau Halloween.
Vào ngày này để tưởng niệm người đã khuất, các gia đình sẽ xếp những chiếc ghế trống vào bàn ăn – mỗi chiếc cho một người thân đã qua đời.
Họ còn đem nến và hoa, đôi khi là rượu để viếng mộ vào đêm hôm đó. Lễ thắp nến tại các nghĩa trang ở Séc vào ngày Dusicky luôn có không khí thiêng liêng khó tả.
Philippines: 1 phiên bản độc đáo của trò “cho kẹo hay bị ghẹo”
Ngày lễ Halloween ở Phillippines là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa Mỹ với ngày lễ Undas (ngày của người chết) trong tín ngưỡng bản địa.
Ban ngày, ở sở làm, giới trẻ trang trí Halloween và hóa trang, “quẩy” tưng bừng không kém bất kì nơi nào trên thế giới. Nhưng cuối ngày, cả nhà sẽ ngập trong tràn không khí thiêng liêng tưởng niệm người đã khuất. Người lớn tuổi tin rằng “có kiêng có lành”, vì vậy hãy hành xử đúng mực.
Một truyền thống rất thú vị ở vùng nông thôn Phillippines là “Pangangaluluwa”. Trẻ em sẽ đi đến gõ cửa từng nhà và biểu diễn 1 tiết mục văn nghệ, sau đó chúng sẽ được lì xì khoản tiền nhỏ cho vui, gần giống với trò “cho kẹo hay bị ghẹo”.
Ngoài lề: bạn có biết trò chơi “100 câu chuyện siêu nhiên” của Nhật Bản?
Có thể bạn đã biết, khá nhiều nước có lễ hội tương tự như Halloween như Mexico với “Ngày của người chết”, hay Nhật Bản có lễ Obon, một số nước Á Đông có ngày xá tội vong nhân,…
Vì thế hãy tạm gác chủ đề đó lại mà cùng nghe 1 trò chơi khá rùng rợn ở Nhật Bản nhé. Nó gọi là Hyakumonogatari Kaidankai (百物語怪談会) bắt nguồn từ thời Edo.
Trò chơi như sau, một nhóm bạn bè tụ họp tại 3 gian phòng. Họ thắp 100 ngọn đền lồng và đặt một tấm gương ở gian phòng thứ ba.
Sau đó, mỗi người sẽ lần lượt kể một câu chuyện Kaidan – nghĩa là chuyện kì quái, siêu nhiên mà bản thân từng trải nghiệm hoặc nghe thấy . Sau mỗi câu chuyện, nhóm bạn kéo nhau sang gian phòng thứ 3 tắt đi một ngọn đèn, rồi họ soi gương và tiếp tục trở về gian phòng đầu tiên.
Cứ lần lượt, mỗi người kể 1 câu chuyện… Người Nhật tin rằng sau 100 câu chuyện, tắt đi lần lượt 100 ngọn đèn thì linh hồn người đã khuất sẽ quay về! Tuy nhiên mọi người hầu hết dừng ở câu chuyện thứ 99 rồi giải tán.
Nguồn: kênh 14
© 2024 | Thời báo ĐỨC