Các bạn đã sẵn sàng đến với "thiên la địa võng" cực tinh vi của nhà hàng chưa? Dưới đây là những chiêu thức "bòn rút" cực tinh tế của các nhà hàng phương Tây khiến bạn sẵn sàng rút ví ngay khi bước vào.
Đối với các chuỗi nhà hàng hay quán ăn đặt ở nơi cạnh tranh gay gắt, họ không chỉ điều hành bằng cảm tính, kinh nghiệm mà còn có nhiều chiến thuật độc đáo!
Bạn có thể sẽ phản đối và dẫn ra nhiều quán "hữu xạ tự nhiên hương", nhìn rất bình dị nhưng luôn đắt hàng bởi có món ăn ngon hay ông bà chủ thân thiện.
Tuy nhiên, nếu đã mở chuỗi nhà hàng hay kinh doanh 1 nhà hàng hạng trung trở lên thì mọi thứ phải thật bài bản. Thậm chí, ở phương Tây còn có hẳn ngành tâm lí học thức ăn, chuyên nghiên cứu suy nghĩ và hành vi của thực khách, từ đó giúp nhà hàng điều chỉnh để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Hãy cùng xem thử một số "tuyệt chiêu" của họ nhé!
1. Ai sẽ mở cửa chào đón bạn? Một anh chàng đẹp trai thân thiện!
Hoặc 1 cô gái đẹp và niềm nở! Nhiều nhà hàng tin rằng một "người giữ cửa" tốt cũng chính là người bán được hàng.
Họ không chỉ mỉm cười hay chào hỏi 1 cách máy móc mà biết bông đùa thú vị, giới thiệu những món ngon nếu thực khách còn băn khoăn. Mục đích là phải tạo được cảm giác tin tưởng, khuyến khích khách chọn "suất ăn đặc biệt" hay là gọi thêm món tráng miệng sau bữa chính.
2. Một không gian tuyệt vời của âm nhạc
Bởi vì "âm nhạc sẽ dẫn tới những thay đổi tích cực về tâm lí lẫn hành động cụ thể, ảnh hưởng đến quá trình chọn lựa và thưởng thức món ngon" - giáo sư Charles Spence từ ĐH Oxford cho biết.
Các nhà hàng sang trọng luôn chơi nhạc cổ điển vì nó làm cho khách hàng "cảm thấy giàu có" hơn!
3. Vai trò của ánh sáng
Ánh sáng ảnh hưởng đến tốc độ ăn. Nhà hàng thức ăn nhanh thường chọn không gian thoáng đãng, tận dụng ánh sáng ngoài trời để giúp khách ăn nhanh đi nhanh, bán được cho nhiều khách hơn.
Ngược lại, nhà hàng sang trọng luôn sử dụng loại ánh sáng dịu nhẹ ấm áp, giúp thực khách cảm thấy thư giãn, ngồi lại lâu và gọi nhiều món ăn hơn (đặc biệt là những món tráng miệng ít calo mà lại "đắt xắt ra miếng")!
4. Chiến lược sắp đặt bàn ăn
Theo nghiên cứu của giáo sư Brian Wasink (ĐH Cornwell, Mỹ), người ta thường có xu hướng gọi phần ăn cỡ lớn với nhiều món ăn không lành mạnh khi họ ngồi ở nơi khuất tầm nhìn người khác!
Ngoài ra, một số khách hàng thường hào hứng gọi thêm các món tráng miệng nếu họ ngồi ở một không gian khá riêng biệt, nơi có thể thư giãn và ăn uống thoải mái mà không lo bị dò xét (một tâm lí khá phổ biến với những cô gái vừa thích ăn uống vừa muốn giữ dáng).
Ngay cả ở nhà hàng sang, không phải lúc nào không gian rộng cũng là tốt
Và nhà hàng luôn có những chiếc bàn tròn nhỏ, dành cho thực khách đi 1 mình để họ cảm thấy thoải mái, không quá trống trải. Mà bàn nhỏ cũng giúp nhà hàng tận dụng được tối đa không gian nữa.
5. Nghệ thuật trình bày thực đơn
Đầu tiên phải có hình ảnh bắt mắt. Chuyên gia Gregg Rapp cho biết: "Nếu mỗi món ăn bạn đều có hình ảnh minh họa thì sẽ bán được gấp 3 lần trang menu mà chỉ có 1, 2 ảnh ít ỏi".
Thứ hai, hãy làm cho giá tiền trông có vẻ nhẹ nhàng hơn. Ví dụ ở Mỹ người ta sẽ bỏ đi kí hiệu $. Hoặc một số nhà hàng ở Việt Nam có thể viết giá là "50k" thay cho "50.000 đồng".
Bên trái có biểu tượng $ gây "đau lòng", menu bên phải thì không
Thứ ba, nhà hàng sẽ đặt món ăn muốn bán nhất vào vị trí chính giữa trang menu. Thông thường đây sẽ là món được khách ưa chuộng và cũng sinh lời cho chủ nhà hàng nhiều nhất. Tuy vậy, đối với món tráng miệng, dù giá cả nguyên liệu của chúng chênh lệch nhưng giá tiền sẽ ngang nhau, đảm bảo rằng không món ăn nào bị thừa và phải bỏ đi.
Thứ tư, nghĩ ra tên món ăn thật "sang miệng". Ví dụ, món phi lê cá rô chẳng ai thèm sẽ được thay bằng tên rất oách "cá mú Chile".
Hoặc, bạn có bao giờ ra quán nước và bắt gặp món "nước hoa vô thường" chưa nhỉ? Nghe tên là thấy tò mò muốn thử rồi! Quả thật đây là nước ép của hoa vô thường, có vị chua ngọt, nhưng nếu tìm hiểu một chút bạn sẽ biết ngay loài hoa này thuộc họ nhà dâm bụt - cũng khá gần gũi bình thường thôi mà bán giá mấy chục ngàn đồng đấy.
6. Trong lúc chờ đợi thì làm gì? Mời dùng món khai vị (nhiều khi miễn phí)
Đó có thể là các loại hạt, bánh mặn hay snack. Đặc điểm chung của chúng là rất nhiều muối và bạn sẽ muốn gọi ngay 1 ly nước cho đỡ khát!
7. Những màn ảo thuật trong nhà bếp
Đối với món nước, nhiều nhà hàng kết hợp nguyên liệu tươi lẫn hương liệu đóng hộp.
Và nên nhớ hình ảnh trên thực đơn chỉ có tính chất minh họa mà thôi. Theo chuyên gia David Kincheloe, dĩ nhiên là các nhà hàng sẽ hạn chế sử dụng những thứ đắt đỏ (mà bắt mắt) như dâu, mâm xôi, việt quất, hạnh nhân,... Nhưng nguyên tắc là dù ít cũng phải có, nhiều khi chỉ cần 1 quả thôi để thực khách không bị hụt hẫng, "chạm đáy nỗi đau"!
Tiếp theo, luôn chọn đĩa phù hợp với món ăn. Không chọn đĩa to quá khổ vì sẽ làm món ăn bị thu nhỏ, kém sang.
Nói về size, rất nhiều người thường chọn size nhỏ vì nghĩ vừa sức ăn lại tiết kiệm. Tuy nhiên có thể khẳng định, phần ăn size L lúc nào cũng rẻ hơn size S (tính theo giá trung bình mỗi gram khẩu phần).
Size S và Size L
Dĩ nhiên tất cả những điều trên chỉ là lí thuyết, còn thực tế lại muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên, có thể nói trên đây là những "chiêu thức" lí tưởng được các quán ăn - nhất là nhà hàng sang trọng ở Âu Mỹ - nỗ lực áp dụng, vì chúng phù hợp với tâm lí khách hàng dựa theo các nghiên cứu tính đến nay.
© 2024 | Thời báo ĐỨC