5 điều thú vị về tính cách người Đức

Người Đức có lẽ là một dân tộc có tính cách đặc biệt nhất trên hành tinh này: chính xác, tỷ mỉ và lạnh lùng như một cỗ máy. Có lẽ chính vì những phẩm chất tưởng như khô khan đó đã làm nên một nước Đức mạnh mẽ và thịnh vượng như ngày nay. Bài viết sau đây sẽ phân tích sâu hơn tính cách của người Đức cũng như cách để bạn đọc làm quen và thích nghi với lối sống của họ.

1. Lý trí, lý trí và lý trí

1 5 Dieu Thu Vi Ve Tinh Cach Nguoi Duc

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel chính là hình ảnh tiêu biểu của một lãnh đạo người Đức: điềm tĩnh, lạnh lùng và thẳng thắn.

Có lẽ ít dân tộc nào trên thế giới có cách suy nghĩ và lập luận logic mạnh mẽ như người Đức. Khi giải quyết một vấn đề, người Đức sẽ ngồi xuống và phân tích đến khi vấn đề được mổ xẻ rõ ràng nhất. Người Đức từ nhỏ đã được thừa hưởng một nền giáo dục cực kỳ tiên tiến. Trẻ nhỏ được khuyến khích phản biện và tư do biểu đạt. Chưa kể với một kho tàng triết học, khoa học dày dặn từ hàng thế kỷ, người Đức không thiếu phương tiện để thực hiện quá trình phân tích đó một cách sâu sắc. Vì có lối suy nghĩ thiên về logic nên người Đức luôn tránh lối tư duy “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” của người Việt. Đúng và Sai được phân biệt rạch ròi. Nguyên nhân, kết quả dự đoán hay điểm mạnh, điểm yếu được vạch ra một cách rõ ràng. Có nhiều ý kiến cho rằng trong cuộc sống người Đức hơi an toàn và cầu toàn. Họ lên kế hoạch rất kỹ để tránh những rủi ro không đáng có và nếu có thành công thì kết quả cũng đã trong tầm dự đoán của họ hết rồi.

Lối suy nghĩ và làm việc của người Đức khác khá nhiều so với người Việt do đó khi làm việc không tránh khỏi những xung đột ban đầu. Vì thế bạn hãy cố gắng phân tích một cách hợp lý, dự đoán được kết quả và hơn cả là trau dồi kiến thức lý thuyết và thực tế thật kỹ để các phân tích và dự đoán của mình được chính xác hơn. Thêm vào đó, những bằng chứng, con số thuyết phục sẽ khiến người Đức dễ dàng chấp nhận đề xuất của bạn.

2. Diễn đạt trực diện

Khi diễn đạt một luận điểm, người Đức sẽ đi thẳng vào vấn đề thay vì vòng vo để lấy lòng người nghe. Người Đức sẽ không quan tâm đến cảm xúc của đối phương, miễn là luận điểm của họ thuyết phục. Họ sẽ đưa ra quan điểm của mình vô cùng mạnh mẽ kèm theo đó là hàng loạt dẫn chứng và lập luận khoa học. Họ cũng tránh tối đa lối diễn đạt khoa trương hay nói giảm nói tránh. Một mặt hàng muốn bán được ở Đức, thay vì sử dụng những chiêu thức marketing thổi phồng công dụng của sản phẩm, người bán phải thể hiện rõ ràng và chính xác công dụng và điểm khác biệt. Người Đức coi nói quá cũng tồi tệ như nói dối vậy.

Đôi khi người đối diện sẽ thấy khá mất lòng vì cách trao đổi quá thẳng thắn kèm theo thái độ quyết liệt của người Đức. Nhưng bù lại công việc sẽ diễn ra trôi chảy và hiệu quả hơn hẳn nếu chúng ta bỏ qua những rào cản về cảm xúc để đào sâu vào sự thật. Ngoài ra khi khen ngợi người Đức, bạn nên tránh đề cập đền ngoại hình, diện mạo mà hãy tập trung vào thành tích, phẩm chất để lời khen có chiều sâu hơn.

3. Công – Tư rạch ròi

2 5 Dieu Thu Vi Ve Tinh Cach Nguoi Duc

Người Đức vốn không nổi danh vì hội hè. Oktorberfest là một trong số ít lễ hội được tổ chức hoành tráng ở đây.

Người Đức tuyệt đối tôn trọng quyền tự do cá nhân cũng cuộc sống riêng tư của mỗi người. Người Đức tránh hỏi nhau những câu hỏi về cuộc sống cá nhân như tình trạng quan hệ, thu nhập cũng như tôn giáo. Trong công sở họ có thể hợp tác với bạn vô cùng tích cực nhưng sau giờ làm, họ sẽ không vồ vập khi giao tiếp mà sẽ lịch sự đối xử như hai cá nhân bình thường. Sau giờ làm, việc giao thêm việc hay nói chuyện về công việc điều cấm kỵ. Bạn hãy cố gắng hoàn thành tốt công việc thay vì mang việc về nhà. Hơn nữa sau giờ làm cũng không có đồng nghiệp nào dễ dàng hỗ trợ bạn đâu.

4. Quan hệ cá nhân

Trong những lần giao tiếp ban đầu với người Đức bạn nên sử dụng lời nói hay lời văn lịch sự, xã giao, tránh việc thể hiện cảm xúc thân mật. Sự kết nối giữa các cá nhân trong xã hội Đức vốn diễn ra từ tốn nên làm việc chung không có nghĩa là bạn thân. Còn nếu bạn muốn kết thân với người Đức thì bạn phải cần nhiều thứ hơn: hoàn cảnh, sở thích, quan điểm và nhất là thời gian. Thực ra người Đức khi mới tiếp xúc thường khá lạnh lùng nhưng khi có được niềm tin từ họ thì mọi việc diễn ra khá suôn sẻ.

5. Hết mình và Tiết kiệm

Cũng giống như người Nhật, người Đức luôn muốn khai thác tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành tốt công việc, từ thời gian cho đến những nguồn lực vật chất khác. Đất nước Đức đã trải qua nhiều biến cố trong lịch sử, hơn nữa người Đức vốn là một dân tộc chăm chỉ, chịu khó nên họ sẽ hết mình khi làm bất cứ việc gì, kèm theo đó là tránh lãng phí và rủi ro hết mức.


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày