Giới hạn tuyển chọn lao động xuất khẩu sang Đức và chưa cho phép doanh nghiệp tham gia vào quá trình này, khiến tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng dưới danh nghĩa du học sang Đức đang hiển hiện.
Muôn cách tuyển điều dưỡng viên
Chỉ cần vào Google gõ “tuyển điều dưỡng làm việc tại Đức”, sẽ thấy xuất hiện hàng loạt kết quả, chủ yếu là chương trình của các trung tâm đào tạo hoặc dạy nghề.
Tại webside của Trường trung cấp Âu Việt đăng thông tin
“Căn cứ vào Hợp đồng hợp tác giữa Trường trung cấp Âu Việt và Công ty Asia – Stern Minh GmbH CHLB Đức, Trường Âu Việt thông báo tuyển dụng thực tập sinh làm việc tại CHLB Đức nghề điều dưỡng chăm sóc người già”.
Tại trang megastudy.edu.vn cũng đăng thông tin “Du học Đức không tốn học phí, hưởng lương ngành điều dưỡng và cơ hội định cư siêu hấp dẫn”.
Những lời quảng cáo đầy cám dỗ, kèm quyền lợi của học viên như:
- miễn 100% học phí,
- hợp đồng lao động 3 năm,
- học bổng từ 650 – 1.000 Euro/tháng,
- đi làm được hưởng mức lương tối thiểu 2.000 Euro/tháng… đã khiến không ít lao động Việt Nam bị lôi kéo và hệ lụy cũng nảy sinh từ đây.
Bà Chu Thị Phương Nhung, điều phối viên Khu vực thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) chia sẻ:
“Đã có lao động bị lừa sang Đức theo con đường du học, nhưng thực chất là đưa người sang Đức làm việc ngành điều dưỡng. Sau khi sang Đức không được tiếp nhận, lao động này đã gửi đơn kêu cứu tới Đại sứ quán Việt Nam tại Đức”.
Về việc Trường đại học Y Hà Nội đã đưa 2 khóa đào tạo chương trình cử nhân dinh dưỡng tiên tiến sang làm việc trong các bệnh viện của Đức, theo bà Nhung, đây có thể là chương trình hợp tác do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép, hoặc có thể qua đây, Trường đại học Y Hà Nội quảng bá chương trình đào tạo của mình.
Tuy nhiên, việc làm này lại vi phạm quy định đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đâu là giải pháp?
Theo ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong văn bản được ký giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức, doanh nghiệp chưa được tham gia vào việc tuyển chọn, đào tạo và đưa lao động ngành điều dưỡng sang Đức. Nhưng các trung tâm đào tạo và dạy nghề lại đang lợi dụng danh nghĩa liên kết đào tạo, để đưa lao động điều dưỡng sang Đức, hay một số thị trường khác làm việc.
Bà Nhung còn đề cập một kẽ hở là Đức có nhiều loại visa, trong đó có visa ngắn hạn cấp cho học viên học tiếng tại Đức, các đơn vị đào tạo lợi dụng điều này để đưa lao động chui sang đây. Những lao động xin visa loại này có thể gặp rủi ro, bởi sang Đức không biết tiếng, không có trình độ, nên không thể xin việc, hoặc bị đẩy vào những nơi có mức lương không đủ sống. “Do đó, trình độ B1, B2 tiếng Đức là một đảm bảo cho người lao động khi đặt chân tới Đức”, bà Nhung nói.
Về việc xử lý các đơn vị đào tạo lợi dụng đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, ông Hương cho biết:
“Với những tổ chức, hay cơ sở đào tạo đang đưa lao động dưới dạng du học sinh sang Đức, nhưng gắn với xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, chúng tôi sẽ làm việc với Đại sứ quán Đức để có hướng xử lý”.
Bà Nhung cũng đưa ra cảnh báo:
“Nếu núp dưới danh nghĩa du học để đi xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng, người lao động sẽ vô cùng gặp khó khăn khi tới Đức. Nếu bị phát hiện sẽ bị trả về, nếu không sẽ không thể đảm bảo việc làm an toàn và ổn định tại Đức”.
© 2024 | Thời báo ĐỨC